Bổ sung một số điều kiện về kinh doanh đa cấp
Theo LS. Nguyễn Tuấn Long (Hội Luật gia TP.HCM), Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023 ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó Nghị định mới sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP quy định về doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Trong quy định cũ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa.
Còn theo quy định mới, doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo quy định của Nghị định.
Nghị định số 18/2023 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều kiện đối với tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.
Theo đó, thành viên đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 42/2014 ngày 14/5/2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và Nghị định này trong thời gian doanh nghiệp đó đang hoạt động bán hàng đa cấp.
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP bổ sung thêm điều kiện: Trong trường hợp tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đồng thời bổ sung quy định "Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc".
Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
|
Kinh doanh đa cấp cần đáp ứng nhiều quy định pháp luật |
Trường hợp nào không được tham gia bán hàng đa cấp?
Nghị định số 18/2023/NĐ-CP mới không bổ sung, thay đổi các điều khoản liên quan đến trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp được quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2028/NĐ-CP.
Cụ thể, khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định như sau:
2. Những trường hợp sau không được tham gia bán hàng đa cấp:
a) Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc có tiền án về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;
b) Người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật;
c) Người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định này mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
d) Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định này;
đ) Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”
Cụ thể hơn, điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP sẽ bao gồm các trường hợp sau:
- - Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
- - Cung cấp thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp;
- - Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo về kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- - Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia;
- - Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để khuyến khích, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp;
- - Thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nơi doanh nghiệp chưa được cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.
- - Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- - Tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điểm d khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP sẽ bao gồm:
Thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.