Có kinh nghiệm 4 năm trồng nho hạ đen, anh Lưu Văn Hải (1991), trú tại thôn Ba Gò, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, thử nghiệm trồng nho sữa Nhật. Đợt này, anh mới thu hoạch vụ đầu tiên được dự kiến 2 tấn quả, thu về được từ 750 – 1,2 tỷ đồng.
Sau khi trồng nho hạ đen làm kinh tế, anh Hải vẫn không ngừng tìm hiểu về các giống nho đem lại lợi nhuận cao hơn. “Làm việc và nghiên cứu đi sâu về cây nho, tôi nhận thấy cây nho sữa có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao nên quyết định trồng và nhân giống loại nho này”, anh nói.
Anh Hải thu hoạch nho sữa để gửi cho khách ở khắp nơi.
Mùa xuân năm ngoái, anh bắt đầu nhập 1.000 cây giống về trồng thử nghiệm tại vườn của mình. Dù có tìm hiểu rất nhiều thông tin về cách chăm sóc loại nho này, anh vẫn vấp phải thất bại lần đầu tiên. Gần 300 cây giống bị chết sau hơn tháng trồng, hơn 700 cây còn lại thì phát triển không đồng đều, cây to cây nhỏ.
“Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc vì chăm sóc mất nhiều công mà thành quả không ra sao, chỉ muốn phá hết đi và trồng nho hạ đen vì có kinh nghiệm sẵn rồi. Nhưng suy nghĩ lại, tôi không muốn bỏ cuộc dễ dàng như thế. Tôi lại nhập vài trăm cây nữa về trồng”, anh chia sẻ.
Để có được thành quả như hôm nay, anh trải qua nhiều khó khăn.
Anh lao vào tìm và đọc rất nhiều tài liệu từ nước ngoài liên quan đến cách chăm sóc loại nho này. Vì ở nước ta, anh chưa thấy mô hình trồng nho sữa Nhật nào nên không thể đi đến tận nơi học hỏi được. Chưa kể, anh liên hệ với nơi bán giống là trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang và được hướng dẫn cách chăm sóc.
Cuối cùng, anh cũng chăm sóc chúng sinh trưởng và phát triển tốt được nhờ những kiến thức đã học và kinh nghiệm chăm sóc lứa cây giống đầu tiên. Hiện tại, anh đang trồng 1.500 cây nho sữa Nhật trên diện tích 0,5ha.
Đợt này, anh đang thu hoạch nho sữa vụ đầu tiên, từ giữa tháng 6 đến khoảng đầu tháng 8 là kết thúc. Loại quả này được anh chia làm 2 loại: loại 1 tuyển chọn đều đẹp có giá 400.000 đồng/kg, loại 2 có giá bán 250.000 đồng/kg, là những chùm thưa quả, dễ rụng.
Đến khi chúng ra quả, anh phải đi tỉa, chỉ để một số lượng quả nhất định để quả to, đều, khó rụng...
Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã thu hoạch và bán gần hết, chỉ còn số lượng rất ít trong vườn. Anh chuẩn bị chăm sóc cây chuẩn bị cho mùa vụ tới.
Khách hàng của anh chủ yếu vẫn trong tỉnh, họ đến tận vườn hái và mua, còn chụp ảnh. Ngoài ra, một số khách tại Hà Nội, Quảng Ninh cũng đặt mua và anh sẽ gửi đi.
Khách hàng đến tận vườn hái nho và chụp ảnh.
So với hạ đen, anh Hải cho rằng cây nho sữa yếu hơn, điều kiện sinh trưởng khác rất nhiều. Nhiệt độ cây nho hạ đen phát triển tốt là 22-37 độ, còn nho sữa từ 18-32 độ là điều kiện lý tưởng để phát triển. Tốc độ sinh trưởng cây nho sữa cũng yếu hơn, đòi hỏi đất cải tạo tốt.
Bên cạnh đó, người trồng phải kiếm soát tốt độ PH và độ ẩm của đất. Anh Hải thường xuyên sử dụng máy đo các thông số để có thể cải tạo cho phù hợp với cây nho. Vì vậy, anh đánh giá loại cây này rất khó chăm sóc, khó hơn nhiều so với nho hạ đen.
Hơn nữa, ở nước ngoài, loại nho này trồng 2 năm mới ra quả. Nhưng anh chăm sóc và “ép” chúng ra quả ngay sau 1 năm trồng. Muốn làm được điều này, anh phải vận dụng nhiều kiến thức trồng nho và tìm hiểu thêm.
Nói về chất lượng quả, anh cho biết nho sữa tại vườn nhà anh ăn rất giòn, ngon vì hái tươi. Không ít khách hàng quay lại mua lần 2, lần 3 để thưởng thức.
Để tăng thêm thu nhập, anh có trồng thêm một 1ha khoảng 3000 cây nho sữa Nhật nữa để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.
Dù giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với nho hạ đen, anh cho rằng bản thân chỉ dừng lại chăm sóc số lượng cây nho sữa như vậy. Vì chúng mất nhiều công chăm sóc, hơn nữa đầu ra chưa ổn định bằng nho hạ đen vì giá cao. Nếu sau này có đầu ra ổn định hơn thì có thể mở rộng diện tích. Còn hiện tại, anh chỉ tập trung phát triển nho hạ đen, vì giống nho kết hợp với du lịch sẽ tốt hơn vì màu sắc chín sẽ đẹp hơn, khách thích đến tham quan hơn.
Giá bán của nho hạ đen mọi năm vẫn ở mức dao động từ 150-170 nghìn đồng/kg.