Trồng lan rừng bằng khí canh, trụ đứng: Ý tưởng làm giàu độc đáo

Google News

Bằng cách cải tiến quy trình trồng lan rừng truyền thống, chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên (Phước Lại, Cần Giuộc, Long An) đã chuyển sang trồng bằng phương pháp khí canh trụ đứng trong hệ thống ống nhựa và đang gặt hái những thành công nhất định.

Sáng tạo không ngừng
Trong khu vườn rộng 800m2, chị Ngọc Duyên dành hẳn một khu vực để thử nghiệm mô hình trồng lan rừng với phương pháp khí canh trụ đứng. Tại đây, 200 trụ đứng bằng nhựa đang chen lấn nhau bởi những cây lan ngọc điểm con. Phía dưới khu vực trồng lan khí canh trụ đứng là một bể nuôi cá Koi.
Trong lan rung bang khi canh, tru dung: Y tuong lam giau doc dao
Nhờ trồng lan rừng, chị Ngọc Duyên có khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: T.Đ
Theo chị Ngọc Duyên, chị “kết duyên” trồng lan rừng từ đầu năm 2018. Trước khi bắt tay dùng phương pháp khí canh trụ đứng trồng lan, chị đã từng trồng thành công với phương pháp thủy canh. “Một lần thấy nông dân trồng rau trên trụ đứng, tôi chợt nghĩ sao không trồng lan như thế để giảm diện tích đất”, chị Ngọc Duyên cười vui.
Ông Nguyễn Văn Trầm cho biết, tại xã Phước Lại đã thành lập ra Hội quán nông dân với các hoạt động sinh hoạt định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm quý về trồng lan rừng. Nhiều thành viên của hội quán này rất nóng lòng thấy sự thành công thật sự của phương pháp trồng lan khí canh trụ đứng của chị Ngọc Duyên để áp dụng cho nhà vườn.
Thực tế, bắt tay vào thực hiện phương pháp khí canh trụ đứng để trồng lan, chị nhận ra, so với dùng phương pháp truyền trống hay thủy canh, phương pháp khí canh trụ đứng có ưu thế giảm diện tích trồng lan rất lớn. Nếu trước đây trồng 10.000 cây lan trên diện tích 800m2 thì bây giờ với phương pháp khí canh trụ đứng chỉ cần 80m2 là đủ, tức chỉ bằng 1/10 diện tích. Ngoài ra, phương pháp khí canh trụ đứng còn giảm 1/2 chi phí đầu tư ban đầu. Có lợi thế sử dụng lưu lượng nước cố định tuần hoàn nên cách trồng này tiết kiệm được lượng nước tưới, giảm bớt kinh phí đầu tư và sử dụng phân thải của cá thay thế cho phân bón cho lan rừng.
Về giải pháp này, chị Ngọc Duyên cho rằng, dựa trên nguyên lý hồi lưu nước từ hồ nuôi cá. “Qua bể lắng, tách đạm sục khí mạnh để chuyển hóa nitrat đến tưới lan qua ống nhựa khí canh trụ đứng, rồi thu lại nguồn nước. Quan trọng là lượng cá nuôi phải đảm bảo đủ quy trình cung cấp đạm không thừa hay thiếu, nước không có clo”, chị Ngọc Duyên chia sẻ.
“Sau khi lan trồng được 6 tháng hay một năm sẽ được lấy ra khỏi trụ đứng và bán làm cây giống hoặc cho vào chậu trồng tiếp cho đến khi thành phẩm xuất bán”, chị Duyên cho biết.
Hiệu quả thiết thực
Xã Phước Lại là một trong 7 xã của huyện Cần Giuộc quanh năm phèn chua, thường xuyên bị triều cường xâm lấn và thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô. Đa phần người dân nơi đây làm nông nghiệp, như: nuôi thủy sản nước lợ (420ha) và trồng lúa (57ha). Với chị Ngọc Duyên, dùng phương pháp trồng lan rừng khí canh trụ đứng sẽ giải quyết các vấn đề, như: hạn chế tối đa diện tích, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế chi phí đầu tư… và nhất là sử dụng nước ngọt tiết kiệm. Chị Ngọc Duyên tính, sau 12 tháng trồng lan sẽ cho thu hoạch một nửa sản lượng. Với sản lượng này người trồng sẽ hoàn vốn. Sau đó, người trồng sẽ có lời từ 20 - 22 triệu đồng/tháng.
Theo mô hình này, lan rừng Việt Nam đã thuần dễ trồng, dễ chăm sóc, ra hoa đẹp. Chi phí, giá thành sản xuất thấp nên việc cạnh tranh với hoa lan Thái Lan, Đài Loan nhập sẽ tốt hơn… “Mỗi năm từ nghề trồng lan rừng tôi có doanh thu 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tôi nghĩ, có thể nhân rộng mô hình này cho nông dân vì với một diện tích nhỏ cũng làm được”, chị Duyên khằng định.
Ông Nguyễn Văn Trầm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giuộc đánh giá, đây là mô hình đang mang lại nhiều niềm hy vọng cho nông dân tại địa phương đang trong quá trình cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Bởi đây là mô hình hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập lớn, ổn định cho người trồng.
Theo Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)