Tầm gửi là loại cây sống nhờ trên thân cây khác. Mỗi loại tầm gửi đều có tác dụng chữa một số loại bệnh khác nhau nhưng tầm gửi cây gạo lại được nhiều người lùng mua với giá cả triệu đồng/kg bởi đây được coi như loại tầm gửi quý nhất. Nhờ thu hoạch tầm gửi cây gạo để mang bán, nhiều gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
|
Tầm gửi cây gạo được coi là loại tầm gửi quý nhất. |
Được mệnh danh là địa phương trồng nhiều cây gạo nhất tỉnh Phú Thọ, đến xã Hiền Quan (huyện Tam Nông) sẽ thấy hàng trăm cây gạo lớn nhỏ được trồng dọc bờ đê, ngoài bãi ven sông hay xung quanh vườn nhà. Hầu hết trên những cây gạo này đều chi chít tầm gửi bám quanh.
Bà Hà Thị Nguyệt, trú tại khu 8 xã Hiền Quan vừa chỉ về phía gốc gạo cổ thụ của gia đình mình vừa cho biết, mỗi năm gia đình bà có thể thu hoạch được hơn 100kg tầm gửi tươi với giá 500-600.000 đồng/kg.
“Cây gạo này ngày trước được các cụ trồng để giữ đất vì người ta bảo “thần cây đa, ma cây gạo”. Không ngờ càng ngày, cây gạo càng có nhiều tầm gửi bám quanh và được thương lái lùng mua với giá cao”, bà Nguyệt nói.
|
Những gốc gạo cổ thụ có thể cho thu hoạch hàng tạ tầm gửi mỗi năm. |
Không cần quảng cáo, cứ đến dịp 5/5 âm lịch là người dân lại cùng nhau thu hoạch tầm gửi. Theo bà Nguyệt, thu hoạch tầm gửi cây gạo cũng đòi hỏi có kỹ thuật và kinh nghiệm, chỉ cắt những cành có chiều dài ít nhất 50cm, để lại những cành ngắn để gối vụ. Ngoài ra, phải dùng tay bứt tầm gửi để giữ tầm gửi được tươi, không nên dùng dao, kéo để cắt.
Là hộ dân sở hữu số lượng cây gạo nhiều nhất nhì xã Hiền Quan, gia đình ông Nguyễn Văn Thống có khoảng 30 cây gạo lớn nhỏ, mỗi năm thu được 400-500 triệu đồng từ việc bán tầm gửi.
|
Để thu hoạch tầm gửi, người dân phải bắc thang dài rồi trèo lên cây, dùng tay bứt từng cành chứ không được dùng dao hay kéo. |
Theo ông Thống, cây gạo có 6-7 loại nhưng chỉ có cây gạo tía mới có tầm gửi mọc. Trước đây, người dân trong xã chỉ thu hoạch tầm gửi cây gạo vào dịp 5/5 âm lịch nhưng giờ đây được thu hái quanh năm. Thương lái từ khắp nơi tìm về, tự trả giá 600.000 đồng/kg tươi.
“Sáng sớm, vợ tôi mang rổ ra từng gốc gạo, nhặt lá tầm gửi rụng quanh gốc rồi mang vào rửa sạch, phơi khô rồi mang bán với giá 1,2 triệu đồng/kg. Mỗi tháng nhà tôi cũng bán được từ 6-7 triệu đồng từ tiền bán lá tầm gửi rụng”, ông Thống cho biết.
|
Nhờ nhặt lá tầm gửi bán với giá 1,2 triệu đồng/kg, mỗi tháng gia đình ông Thống có thêm thu nhập từ 6-7 triệu đồng.
|
|
Lá tầm gửi cây gạo sau khi nhặt về sẽ được rửa sạch và phơi khô rồi mang bán. |
Trước việc tầm gửi có giá, nhiều người đã thử cấy ghép tầm gửi nhưng không thành, chỉ sau vài hôm thì những cành tầm gửi tự héo dần và chết. Vì vậy, người dân chỉ còn cách nhân giống cây gạo để bán.
“Mỗi cây gạo giống phải ươm và chăm sóc mất 4 năm mới bán được 1 lứa. Thời gian lâu và đòi hỏi kỹ thuật cao nên mỗi năm nhà tôi chỉ làm được chừng 20-30 cây giống, nhiều người đặt mua nhưng làm không đủ bán”, ông Thống nói.
Giá mỗi cây gạo giống nhỏ được ông Thống bán ra thị trường khoảng 3 triệu đồng/cây. Những cây to bằng bắp chân và đã có tầm gửi mọc trên cành thì có giá cao hơn, từ 30-40 triệu đồng/cây.
|
Cây gạo có 6-7 loại nhưng chỉ có cây gạo tía mới có tầm gửi. |
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Y Dược Tuệ Tĩnh, không thể phủ nhận giá trị của y học dân gian vì người ta thường nói y học dân gian là một bộ phận của y học cổ truyền.
Theo dân gian thì loại cây này có thể có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh, đặc biệt là bệnh về thận như viêm thận, suy thận mạn, sỏi thận… Tuy tác dụng rất tốt nhưng hiện nay chưa có nghiên cứu theo quy trình khoa học cụ thể về cây này. Hơn thế nữa, cây gạo thì ở đâu cũng có nhưng cây gạo có tầm gửi thì rất hiếm và phải là loại gạo tía.
Khi sử dụng vị thuốc này nên lưu ý dùng kết hợp với các vị thuốc nam khác như: Mã đề, Kim tiền thảo, Thổ phục linh… mới phát huy hết tác dụng. Để tránh tình trạng tiền thật nhưng mua phải của giả, mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức về loại cây này đồng thời khi sử dụng cần sự tư vấn của thầy thuốc.