Danh sách top 20 nữ lãnh đạo, giám đốc điều hành được trả lương cao nhất năm 2016 phần lớn là những gương mặt làm việc trong các ngành nghề bị mặc định thuộc về đàn ông.
|
Marissa Mayer - Giám đốc điều hành Yahoo!. |
Đó là Giám đốc điều hành Safra Catz của Oracle (công ty phần mềm lớn thứ hai thế giới); là cô Marissa Mayer - Giám đốc điều hành Yahoo!; là Ruth Porat, Giám đốc tài chính Alphabet (công ty mẹ của Google); là Giám đốc điều hành Mary Barra của hãng xe hơi đình đám General Motors; là bà Phebe Novakovic, Giám đốc điều hành công ty chuyên sản xuất vũ khí, trang thiết bị quốc phòng Generals Dynamics…
Dẫn đầu danh sách này là Giám đốc điều hành Safra Catz của Oracle với mức thu nhập 41 triệu USD trong khi mức thu nhập của người đứng đầu danh sách nam là Dara Khosrowshahi - Giám đốc điều hành công ty công nghệ-du lịch toàn cầu Expedia với mức 94,6 triệu USD.
Sự chênh lệch khá lớn này khiến top 10 danh sách các sếp nhận lương khủng chỉ duy nhất có “bóng hồng” Safra Catz. Người thu nhập cao nhất trong danh sách sếp nam kiếm số tiền hơn gấp đôi người thu nhập cao nhất trong danh sách sếp nữ.
Mỹ là một trong những quốc gia phát triển nhưng vẫn lấn cấn ở việc đòi hỏi thêm nhiều hơn nữa vị trí lãnh đạo cho nữ giới.
Năm 2016 có nhiều CEO nữ nhất trong số 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn của Mỹ (S&P 500). 27 CEO nữ chiếm tỷ lệ khiêm tốn 5,4% nhưng cho thấy sức bật đáng chú ý khi con số nữ CEO trong số 500 công ty trên chỉ là 22 người.
Một trong những gương mặt nữ lãnh đạo được nhắc đến nhiều trên truyền thông chính là Marissa Mayer (SN 1975). Từ nhỏ, cô đã rất hứng thú trong lĩnh vực khoa học.
Khi học ở trường trung học Wausau West, cô không ngừng nỗ lực hết sức, vừa tham gia đội múa để dễ hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa, lại vừa đắm chìm vào môn hóa học, sinh học, vật lý và toán học.
Càng về sau, thời gian và sự tập trung của cô càng nghiêng về lĩnh vực mà nhiều người nghĩ là khô khan, chỉ dành riêng cho nam giới. Sau đó, cô nộp hồ sơ vào 10 trường đại học và đều được nhận, trong đó có cả những cái tên hàng đầu thế giới như Harvard, Yale và Stanford.
Cô chọn theo học ngành máy tính và tư duy ở trường Stanford, ra trường với 14 lời mời về làm việc. Năm 1999, cô chọn về Google, trở thành nữ kỹ sư đầu tiên được nhận vào làm việc tại Google.
Marissa Mayer từ đó trở thành tên tuổi được chú ý tại thung lũng Silicon. Vị trí cao nhất của cô ở Google là Phó giám đốc tìm kiếm sản phẩm và kinh nghiệm tiêu dùng tại công ty này.
Marissa còn tham gia giảng dạy về khoa học máy tính cho sinh viên ở Stanford, nhận được nhiều giải thưởng giảng dạy ngành khoa học của các hiệp hội giáo dục ở Mỹ. Tháng 6/2012, cô trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Yahoo! đúng giai đoạn Yahoo! gặp nhiều khó khăn trước làn sóng cạnh tranh quá khốc liệt.
Từng có thời gian Marissa làm việc 100 giờ mỗi tuần, miệt mài với những dự án tăng trưởng và tính toán thắt lưng buộc bụng để giữ lấy Yahoo!
Nỗ lực không chỉ đến từ cá nhân mà các quốc gia cần phải chủ động trong việc đề ra chính sách phù hợp. Na Uy đã tiên phong áp đặt quy định hạn ngạch về giới, yêu cầu các công ty phải có ít nhất 40% thành viên thuộc hội đồng quản trị là nữ.
Trong khi đó, Anh đang xem xét dự luật về minh bạch tiền lương và công ty có từ 250 nhân viên có thể phải công bố sự khác biệt trong lương bổng giữa nam giới và nữ giới. Tại Anh, thu nhập nam giới cao hơn nữ giới là 19,1%, trong khi tỷ lệ trung bình của các quốc gia châu Âu là 16,4%.
Ca sĩ Beyoncé Giselle Knowles-Carter từng được Forbes bình chọn là nữ nghệ sĩ quyền lực nhất trong làng giải trí thế giới năm 2015, luôn có mặt trong top danh sách nữ nghệ sĩ có thu nhập cao nhất.
Cô không chỉ quan tâm đến lĩnh vực nghệ thuật-giải trí. Cô là gương mặt tham gia rất tích cực cho các chiến dịch cổ vũ sự vươn lên của phụ nữ trong mọi ngành nghề. Beyoncé chia sẻ: “Mong muốn của tôi là ngày càng thấy nhiều phụ nữ nắm quyền điều hành các cỗ máy quy mô”.
Điều Beyoncé mong mỏi đang được hiện thực hóa từng ngày nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của những nhân tố tài ba, bản lĩnh của các nữ lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực.