Tiết kiệm tiền điện tối đa bằng cách điều khiển điều hòa

Google News

Mùa hè nắng nóng, điều hoà thường xuyên được các gia đình sử dụng. Vậy, điều khiển điều hoà như thế nào để có thể tiết kiệm điện tối đa?

Điều hoà nhiệt độ giờ trở thành thiết bị điện máy được nhiều gia đình sử dụng. Thế nhưng, khi cầm chiếc điều khiển (remote) điều hoà trên tay, đa phần mọi người chỉ để ý đến chức năng tắt/mở và chọn mức tăng giảm nhiệt độ theo ý mình muốn. Ít người biết rằng, nếu sử dụng chiếc điều khiển đúng cách có thể giúp tiết kiệm được khoản tiền điện kha khá mỗi tháng.

Vậy điều khiển điều hoà như thế nào để có thể tiết kiệm điện năng?

Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp

Các chuyên gia điện máy khuyên sau khi bật điều hoà, không nên cài điều nhiệt độ quá thấp. Nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy càng phải đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn. 

Hãy duy trì nhiệt độ phòng ở mức hợp lý, đủ để bạn cảm thấy mát chứ không phải quá lạnh. Điều này vừa giúp máy tiết kiệm điện, vừa bảo vệ sức khỏe cho gia đình bạn. 

Tiet kiem tien dien toi da bang cach dieu khien dieu hoa

Biết cách sử dụng chiếc điều khiển điều hoà hợp lý sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiện điện kha khá mỗi tháng

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) từng đưa ra khuyến nghị, sử dụng máy điều hòa ở chế độ hợp lý như: đặt nhiệt độ ở 25-26 độ C (ban ngày) và 27-28 độ C (ban đêm); sử dụng chung phòng điều hòa (vừa tiết kiệm điện vừa gắn kết thành viên gia đình tốt hơn); kết hợp vận hành điều hòa và quạt gió cùng lúc giúp giảm bớt công suất của điều hòa (có thể tiết kiệm tới 10% điện năng tiêu thụ).

Bật/tắt máy hợp lý

Trong quá trình sử dụng điều hòa, bật/tắt máy là việc tưởng chừng rất đơn giản, tuy nhiên, nếu biết cách bật/tắt máy đúng cách cũng giúp tiết kiệm điện đáng kể cho nhà bạn.

Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt máy, hãy ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy) vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ một lượng điện năng. Ngoài ra, việc ngắt điện vào máy còn để phòng tránh các trường hợp chập điện, gây hư hỏng cho máy.

Nhiều người thường có thói quen khi phòng đã đủ độ lạnh thì tắt điều hòa đi cho đến khi cảm thấy nóng thì bật máy lên lại để tiết kiệm điện. Tuy nhiên, cách làm này hoàn toàn sai lầm, khiến máy tiêu thụ nhiều điện hơn vì phải khởi động và làm lạnh lại từ đầu. Hãy luôn nhớ không nên bật/tắt máy quá nhiều lần, chỉ tắt điều hoà trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý.

Một số dòng điều hoà hiện nay có trang bị chế độ hẹn giờ. Do đó, có thể hẹn giờ tắt máy vào đêm khuya khi bạn đã ngủ. Như vậy, nó sẽ đảm bảo bạn vừa có giấc ngủ thật ngon, không bị lạnh về đêm, lại vừa tiết kiệm điện.

Cài đặt chế độ hợp lý

Điều hoà có 2 chế độ thường được sử dụng là Cool và Dry. Nếu cài đặt chế độ hợp lý, phù hợp với thời tiết thì sẽ giúp tiết kiệm điện năng đáng kể khi sử dụng máy điều hoà và ngược lại.

Cụ thể, chế độ dry (biểu tưởng giọt nước) là chế độ làm giảm độ ẩm trong phòng. Khi sử dụng chế độ này thì quạt và hệ thống của máy lạnh vẫn chạy nhưng không tỏa ra khí lạnh. Chức năng này sẽ thuận tiện nhất khi sử dụng vào thời điểm trời mưa ẩm ướt, độ ẩm trong không khí trong khoảng 60-70%.

Ưu điểm của độ dry góp phần duy trì nhiệt độ, chứ không mang hiệu quả làm lạnh nên chắc chắn sẽ góp phần tiết kiệm năng lượng hơn. Ngoài ra, cài đặt ở chếw độ này còn giúp hạn chế tiếng ồn, giảm độ ẩm trong phòng. Tuy nhiên, chế độ dry có nhược điểm là trong những ngày nắng nóng nếu cài đặt ở chế này sẽ khô hanh, làm khô da, gây nứt nẻ môi và tay chân.

Chế độ cool (biểu tượng bông tuyết) sẽ làm giảm nhiệt độ trong phòng xuống, duy trì nhiệt độ và độ ẩm ổn định để bạn cảm thấy dễ chịu. Là chế độ hợp với thời tiết khô nóng. Nhưng chúng có nhược điểm là tạo ra tiếng ồn lớn hơn và không tiết kiệm điện năng bằng chế độ dry, bởi ở chế độ cool cánh quạt phải hoạt động nhiều hơn để tạo ra hơi lạnh.

Theo L.Minh/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)