1. Tối qua, tôi xuống Vũng Tàu thăm vài người bạn. Chúng tôi ghé quán ốc bình dân đã quen thuộc từ nhiều năm, chào hỏi chủ quán và ngồi nhâm nhi chai bia, nói các câu chuyện đàn bà.
Chuyện của những người phụ nữ khi gặp nhau là gì mà sao nói nhiều đến thế. Kéo dài suốt từ chiều sang tối, từ quán cà phê sang quán ăn. Khởi đầu và bàn luận nhiều nhất vẫn là tình cảm vợ chồng, tình yêu, sự thu vén cuộc sống gia đình, và sau cùng là chuyện tiền bạc.
Phụ nữ coi vậy - theo cách nhìn “lấy vàng thử phụ nữ, lấy phụ nữ thử đàn ông”, nhưng thực ra thì lại rất nghiêng nặng về chuyện tình cảm. Sao phải lao tâm khổ tứ quá nhiều về chuyện kiếm tiền, khi đã có đấng mày râu là chỗ dựa vững chắc trong gia đình!
Cứ có một công việc yêu thích, hàng ngày tập thể thao, chăm sóc chồng con cho tốt, là hạnh phúc tràn trề rồi. Nên đôi khi, sự đúc kết ra chân lý cũng chỉ mang tính chất tham khảo tương đối.
Trong lúc bàn luận tới việc cuối cùng, chuyện tiền bạc, một cô em trong nhóm kể ra việc cá nhân, mong nhận được sự chia sẻ của các chị em đang ngồi “chén chú chén anh” quanh bàn.
|
Ảnh: Shutterstock |
Cô em đó đã ly dị chồng từ 5 năm trước. Sau khi đã ly hôn, ông chồng cũ còn “vớt cú chót” bằng cách quay lại giả bộ kêu vợ cũ hùn hạp vào làm chung công ty để lấy tiền nuôi 2 đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Không hiểu ông này nói gì (và làm gì), mà cô vợ cũ đưa ra 4 tỷ đồng để đóng góp cùng kinh doanh. Chỉ được thời gian ngắn, công ty báo lỗ ngập mặt, chồng cũ trốn luôn về miền Trung không đoái hoài gì nữa. Mất cả tình lẫn tiền, cô em ráng sức để vượt qua khó khăn, bươn chải kinh doanh kiếm sống.
Trời thương người hiền, chỉ bằng số vốn nhỏ hùn vô cùng nhóm bạn mua miếng đất ở quận 9, gặp trúng cơn sốt ầm ầm ở phía Đông Sài Gòn, cô em có tiền lời. Và từ đó, cô mua đi bán lại đất ở nhiều nơi, cứ mỗi miếng lời 100 - 200 triệu đồng. Vì năng nhặt chặt bị nên tài sản tăng dần theo ngày tháng. Tới giờ, cô em đã có mấy miếng đất trị giá chừng gần 20 tỷ đồng.
Tài sản nghe thì cũng kha khá so với thu nhập của viên chức nhà nước, nhưng lúc nào 3 mẹ con cũng loay hoay tiền học, tiền chợ, tiền ăn xài hàng tháng. Mức lương nhà nước khiêm tốn, không đủ để chi trả cho sinh hoạt của cả nhà. Các miếng đất ở các dự án nhà phố lại khó cho thuê ra tiền nên hoàn cảnh nghịch lý là có dư đất mà thiếu tiền. Đến kỳ đóng tiền học tiếng Anh, học múa cho con trở thành những ngày chật vật. Mà đất thì lại không xắt ra để biến thành vài ba chục triệu ngay được.
Chúng tôi khuyên cô nên bán hết đất đi, phần chuyển thành căn nhà phố nhỏ nhỏ cho thuê, phần chuyển thành căn hộ cho thuê, số còn lại mua đất ở những nơi ngoại thành xa xa. Vài ba năm nữa, các vị trí xa này cũng trở thành gần khi dân cư càng ngày càng sinh sôi nảy nở. Và mỗi tháng đều có xèng rủng rẻng để mấy mẹ con sinh sống. Chứ nếu ôm đất mãi, mà trong ví không có tiền, thì đời này còn sung sướng, vui vẻ gì nữa! Cứ mạnh dạn mà chuyển đổi đi thôi.
2. Có nhiều người tích cóp rất giỏi. Người ta gọi là 9 xu đổi lấy 1 hào. Và ở khía cạnh này, hoàn toàn không phải là không có nhiều yếu tố tích cực. Xưa, ông bà có câu: Buôn thùng bán bè không bằng ăn dè hà tiện. Tiết kiệm, không lãng phí luôn cần được ghi nhớ trong các chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, có bao nhiêu tiền đi đầu tư nhà đất hết, thậm chí trả góp vay nợ mua hết dự án này tới dự án khác, mà không tính tới chất lượng sống hàng ngày, thì thực sự đó có phải là cuộc sống tốt hay không! Đây không phải là câu hỏi, mà là một câu khẳng định.
Mọi tài sản cũng chỉ là phục vụ cho đời mình, cho con cái mình, nhưng ưu tiên vẫn là cuộc sống hiện tại. Các con khi lớn lên, trưởng thành, đều phải lao động kiếm ăn. Tài sản của cha mẹ cho tặng, nếu có, cũng chỉ là bước đệm hỗ trợ. Ăn dè hà tiện mãi, để mỗi tháng trả lãi cho ngân hàng, tiền tiêu xài bị hạn chế tối đa, thì khổ quá, khổ một cách tuyệt đối.
Bài toán kinh tế tính thế nào cho hợp lý, vẫn là sự khéo léo của những người làm chủ gia đình. Cũng giống như cách yêu chiều người đàn ông, nhiều quá cũng ngán, mà ít quá thì cũng chán.
Vừa phải, hợp lý, nâng chất lượng sống, đó mới chính là cách lựa chọn hạnh phúc trên đời này!