Tiềm năng và thách thức khi chế tạo thuốc nhờ AI

Google News

Gần đây, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu và phát triển thuốc đã đem lại những thành tựu đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, song hành với những thành tựu đột phá ấy là không ít thách thức trong quá trình nghiên cứu và phát triển.

Theo một nghiên cứu trên Nature Reviews Drug Discovery, phải mất trung bình 4,5 năm để một loại thuốc mới bước vào giai đoạn thử nghiệm thực tế. Thời gian qua, trí tuệ nhân tạo AI được ứng dụng để rút ngắn đáng kể quá trình này. Đáng chú ý nhất là thành tựu nghiên cứu và bào chế thành công vắc xin COVID-19 chỉ trong 65 ngày (kể từ thời điểm công bố giải trình tự gen) của hãng dược Moderna.
Từ lâu AI đã được áp dụng trong lĩnh vực y tế nhằm chẩn đoán bệnh dựa trên phân tích dữ liệu và hình ảnh y khoa. Nhưng phải đến 2020, công nghệ AI mới lần đầu tiên được công ty dược phẩm toàn cầu Exscientia ứng dụng để tạo ra thuốc mới.
Giáo sư Andrew Hopkins - một trong những nhà khoa học nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu thuốc, gọi đây là một "cột mốc quan trọng" bởi nó giúp giảm bớt sự khắc nghiệt của công việc điều chế thuốc vốn tiêu hao nhiều trí tuệ, tiền bạc và thời gian. Ông Andrew Hopkins nói: "Chúng ta từng thấy AI được áp dụng trong chẩn đoán bệnh, phân tích dữ liệu và hình ảnh y khoa, nhưng đây là cách sử dụng trực tiếp AI để tạo ra thuốc mới”.
Tiem nang va thach thuc khi che tao thuoc nho AI
 AI mang lại thành tựu đáng kể trong chế tạo thuốc. 
Bên cạnh việc hạn chế sự can thiệp của con người vào quá trình sản xuất, loại bỏ các lỗi chủ quan, công nghệ AI có thể thay thế các kỹ thuật sản xuất thông thường tốn nhiều thời gian, do đó giúp các công ty dược phẩm tung ra thị trường sản phẩm thuốc nhanh hơn và với giá rẻ hơn.
Không chỉ thế, với trí tuệ nhân tạo, các công ty dược phẩm có thể khám phá và phát triển các chiến lược marketing độc đáo hứa hẹn mang lại doanh thu cao và tăng mức độ nhận biết của khách hàng về thương hiệu.
AI có thể giúp lập bản đồ hành trình của khách hàng, do đó cho phép các công ty xem phương thức tiếp thị nào đã dẫn khách hàng truy cập đến trang web của họ và cuối cùng thúc đẩy khách mua hàng từ công ty. Hơn nữa, các công cụ AI có thể phân tích và so sánh hiệu quả của các chiến dịch marketing trong quá khứ để xác định chiến dịch nào mang lại lợi nhuận cao nhất, trên cơ sở đó thiết kế các chiến dịch marketing hiện tại cho phù hợp, đồng thời giảm thời gian và tiết kiệm chi phí.
Mặc dù có tiềm năng lớn song sử dụng AI để phát triển thuốc cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề khác. Một trong số đó có thể là vấn đề liên quan đến chế tài giúp bảo mật và sử dụng hiệu quả dữ liệu y tế của người dùng. Đó cũng có thể liên quan tới những sai lệch gây ra do dữ liệu đầu vào không chuẩn xác.
Ứng dụng AI trong nghiên cứu, chế tạo thuốc hiện là một vấn đề mới mẻ. Rất nhiều đề tài liên quan lần đầu được đưa ra thảo luận trong các diễn đàn y khoa trên thế giới.
Hoàng Minh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)