Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình (UPCOM – Mã chứng khoán: GTD) vừa công bố các tài liệu để họp đại hội cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2019.
Theo đó, Giầy Thượng Đình dự kiến sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 28/6 tại Hà Nội với kế hoạch kinh doanh đi ngang về doanh thu và thoát lỗ cho năm 2019.
Giầy Thượng Đình chìm trong thu lỗ
Đề cập tới kết quả kinh doanh trong tài liệu ĐHĐCĐ, công ty này cho biết, năm 2018, doanh thu của Giầy Thượng Đình đạt 174 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với năm trước. Điều này khiến lợi nhuận gộp giảm tới 40%, xuống chỉ còn 16,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản chi phí, nhất là chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới gần 28 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp không đủ bù đắp chi phí khiến cho Giầy Thượng Đình lỗ 17 tỷ đồng trong năm 2018. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp thua lỗ kể từ sau khi cổ phần hóa.
Tính đến thời điểm 31/12/2018, lỗ lũy kế của Giầy Thượng Đình là gần 17 tỷ đồng.
“Tình hình tài chính công ty gặp nhiều khó khăn. Nợ khó đòi là 12 tỷ, lỗ nhà máy Hà Nam 3,6 tỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính, phát sinh lãi vay ngân hàng. Các khoản chi phí tăng cao rất nhiều, đặc biệt tiền khấu hao và tiền thuê đất", ban lãnh đạo nêu rõ.
Ngoài ra, theo số liệu từ ban giám đốc, riêng danh mục chi phí của công ty đã tăng liên tục từ năm 2015 đến nay. Trong đó, khấu hao tài sản đã tăng gần 3 lần (từ 2,5 tỷ lên 7,2 tỷ); tiền thuê đất tăng từ 4,1 tỷ lên 6,8 tỷ đồng…
Ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh, nếu tiếp tục kinh doanh như hiện nay, với các chi phí như trên thì rất khó có thể có lãi, nguy cơ lỗ cao. Vì vậy, năm 2019 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn Thượng Đình ở cả trong và ngoài nước.
Trong năm 2018, Giầy Thượng Đình sản xuất được 1,53 triệu đôi giày, đạt 87% kế hoạch và giảm 20% so với năm trước. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 1,62 triệu đôi, giảm 13% so với 2017.
Về xuất khẩu, ban lãnh đạo Giày Thượng Đình cho biết, đơn hàng xuất khẩu không thuận lợi do thay đổi xu hướng tiêu dùng trong giày dép, chuyển từ giày vải lưu hoá sang dòng giầy thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu giảm mạnh.
Bên cạnh đó, giá sản phẩm còn cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giầy ở Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, Giầy Thượng Đình cho biết, các chi phí thực tế chung công ty cũng chỉ tính toán một phần vào giá thành, vì nếu đưa hết vào thì giá quá cao, không thể chào hàng được.
|
Giầy Thượng Đình "vang bóng một thời" |
Tại thị trường nội địa, giầy Thượng Đình lại chịu cạnh tranh từ các cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ, bán không hóa đơn, và giầy Trung Quốc. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có hiện tượng làm giả các sản phẩm của công ty từ giầy đá bóng cho tới giầy KK.
Trong khi đó, nhà máy Thượng Đình đã cũ, cải tạo rất khó, hệ thống máy móc cũng cũ, lạc hậu về công nghệ do đó khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Việc thoái vốn nhà nước tại Giầy Thượng Đình, kế hoạch di dời không rõ ràng do đó khó khăn cho hoạch định sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình trên, năm 2019, Giầy Thượng Đình đặt mục tiêu doanh thu đạt 175 tỷ đồng, tăng nhẹ so với doanh số đạt được trong năm 2018 trước đó. Tuy nhiên, mục tiêu lãi ròng dự kiến công ty thu về lại chỉ vỏn vẹn 50 triệu đồng.
Thua lỗ vì "ôm" khu đất vàng số 277 Nguyễn Trãi
Theo tài liệu ĐHĐCĐ công bố mới đây, Giầy Thượng Đình cũng đề cập tới kế hoạch di dời nhà máy tại khu đất số 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo đó, công ty đang xin UBND TP. Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt.
Lý giải nguyên nhân cho đề xuất này, HĐQT của doanh nghiệp cho biết, việc sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi vì chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất và chi phí khấu hao.
"Hội đồng quản trị công ty, Tổ giữ vốn, Lãnh đạo Giầy Thượng Đình chỉ đạo lập kế hoạch di dời, xin UBND TP Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt", báo cáo nêu.
Trong trường hợp di dời, công ty cho rằng nhà nước, nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất vốn hoặc hạn chế tối đa mất vốn do sản xuất kinh doanh nhà máy Hà Nội là không hiệu quả, các chi phí tăng nhanh.
Theo bản cáo bạch khi IPO, khu đất vàng tại số 277 đường Nguyễn Trãi có diện tích 36.105,1m2. Trong đó 35.628,8m2 nằm ngoài chỉ giới quy hoạch mở đường được thuê đất trả tiền hàng năm. 476,3 m2 đất còn lại nằm trong chỉ giới quy hoạch mở đường. Theo kế hoạch, Công ty sẽ triển khai di dời cơ sở ô nhiễm ra ngoài ngoại thành và thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, nếu di dời nhà máy ở Hà Nội, công ty sẽ đầu tư xây dựng bổ sung theo cam kết với UBND tỉnh Hà Nam với nhà máy tại đây. Như vậy, tỉnh này sẽ không thu hồi đất của công ty trên địa bàn.
Nếu việc xây dựng bổ sung không thực hiện được trong quý IV này, UBND tỉnh Hà Nam sẽ cưỡng chế thu hồi đất với nhà máy của Giầy Thượng Đình tại Hà Nam.
Giầy Thượng Đình là một trong những thương hiệu Việt lâu đời nhất tại Việt Nam, tiền thân là Xí nghiệp X30, được thành lập vào tháng 1/1957. Trước khi chuyển đổi sang hình thức CTCP, công ty là một doanh nghiệp Nhà nước với tên gọi Công ty TNHH MTV Giầy Thượng Đình chuyên sản xuất giày, dép vải phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.Tính đến nay, Thượng Đình đã có 62 năm hoạt động và cung cấp các sản phẩm giày cho thị trường Việt. GIầy Thượng Đình cũng từng rất thành công trong việc xuất khẩu.
Mới đây, hình ảnh ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ gây chú ý khi xuất hiện tại các phiên tòa xử ly hôn với đôi giày lười đơn giản. Đôi giày này cũng xuất hiện trong một bức ảnh khác ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngồi đọc báo trong khoang thương gia của một chuyến bay.
Nói về đôi giày mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ đi quanh năm này, thực chất chỉ là một đôi giày Asia một thương hiệu thuộc hãng giày lâu đời bậc nhất nước ta Giầy Thượng Đình. Một món hàng made in Việt Nam 100%. Thiết kế của mẫu giày này khá thông dụng tập trung vào sự thoải mái cho người đi, loại vải tạo nên giày cũng không phải là vải cao cấp mà là vải bạt được thêu hình bông lúa rất Việt Nam ở trên, giá trị chỉ vỏn vẹn 75.000 đồng.