Nghi án “gửi công”, “gửi điểm”?
|
Thợ lò Phạm Hữu Thiện. |
Theo thông tin một số báo đăng tải, người thợ lò ấy là Phạm Hữu Thiện, sinh năm 1983, thợ lò bậc 6/6, công trường Kiến thiết Cơ bản 2, Công ty CP Than Hà Lầm, người nhiều năm có thu nhập cao nhất Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV).
Đặc biệt năm 2017, mới tính đến giữa tháng 12, mức thu nhập của thợ lò Phạm Hữu Thiện đã đạt gần 430 triệu đồng, bình quân 36 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thưởng cuối năm và tiền Tết. Nếu xét mặt bằng chung của mỗi thợ lò vào khảng 10 đến 20 triệu/tháng, thì đây quả là một kỷ lục mà nhiều người mơ ước.
Trước thông tin trên, hàng loạt công nhân mỏ đã phản ứng, cho rằng mức thu nhập như vậy là “không tưởng”. Theo anh Nguyễn Cường (thợ lò Công ty CP than Mông Dương), mức thu nhập “khủng” này anh cũng đã từng được hưởng, nhưng đó là thời kỳ năm 2012, khi ngành than còn làm ăn phát đạt. “Những năm gần đây thì không bao giờ có” – anh Cường khẳng định.
Anh N.N, một thợ lò cũng thuộc Công ty CP than Hà Lầm chia sẻ: “Lương của mình chỉ khoảng 6,5 triệu đồng/tháng, làm bục mặt cũng chỉ được 8-10 triệu đồng. Cả tổ mình đều như vậy chứ không riêng mình”.
Lấy ví dụ về một người bạn làm việc tại Công ty than Thống nhất, đơn vị được cho là có mức lương tốt nhất Tập đoàn TKV, anh N. cho biết anh bạn này tháng làm cao nhất cũng chỉ được khoảng 14-15 triệu đồng.
Anh D.V.T (công nhân Phân xưởng Vận tải Lò 1 – Công ty than Quang Hanh) khẳng định: “Có được thu nhập này không vì gửi điểm thì cũng là gửi công”. Giải thích về tình trạng “gửi điểm”, “gửi công” (theo anh T. là đang diễn ra phổ biến ở các đơn vị sản xuất ngành than), anh T cho biết: “Bản chất là nếu anh làm được 15 công, cán bộ văn phòng sẽ ghi cho anh 30 công. Gửi điểm cũng vậy, khi anh làm ra khối sản phẩm này chỉ đạt 50 điểm, nhưng cán bộ ghi cho anh thêm 20 điểm nữa. Sau này lĩnh lương anh sẽ thanh toán lại số công, điểm dôi dư cho cán bộ, cán bộ trích lại phần trăm cho anh. Cả 2 vừa nhàn vừa được hưởng lợi”.
Người trong cuộc nói gì?
Tại Công ty CP than Hà Lầm, ông Phạm Văn Tác, Phó phòng Thanh tra – Kiểm toán, khẳng định ngay khi PV đặt vấn đề xung quanh thu nhập của thợ lò Phạm Hữu Thiện: “Không hề có chuyện gửi công, gửi điểm ở đây. Bản thân anh Thiện thực hiện tốt ngày công, năng suất lao động luôn ở mức cao của Công ty và Tập đoàn. Cụ thể, thu nhập bình quân của anh đạt trên 30 triệu đồng/tháng, 2 năm liền nằm trong top công nhân có thu nhập cao nhất Tập đoàn”.
Ông Tác cũng cho biết thêm, sau khi quyết toán cả năm 2017, thu nhập bình quân thợ lò của Công ty là 15,7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, 197 thợ lò có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên; 70 người có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; thu nhập trên 400 triệu đồng/năm có 5 người.
“Chỉ đứng sau anh Thiện chút xíu là công nhân Bùi Văn Toản, thợ lò bậc 6/6, thuộc công trường CGH khai thác 1, với mức lương bình quân là 34.325.007 đồng/tháng” – một cán bộ văn phòng Công ty CP than Hà Lầm đưa ra thêm dẫn chứng.
|
Thợ lò Phạm Hữu Thiện trong bữa cơm cùng gia đình. |
Tại Công ty CP than Hà Lầm, thợ lò Phạm Hữu Thiện, nhân vật chính trong câu chuyện gây tranh cãi về mức thu nhập “khủng”, cho biết: “Tôi đã duy trì mức lương trên 35 triệu đồng/tháng đã 2 năm nay. Năm 2016 tổng thu nhập của tôi là 360 triệu đồng, năm 2017 là trên 400 triệu. Vào làm thợ lò tại Công ty than Hà Lầm đã 14 năm nay, năm 2017 vừa qua là năm tôi có mức thu nhập cao nhất”.
Khi được hỏi vì sao trong thời điểm ngành Than gặp nhiều khó khăn, anh lại có mức thu nhập cao hơn lúc ngành than phát đạt, anh Thiện lý giải: “Ngày nay, điều kiện làm việc dễ hơn, có nhiều thiết bị hỗ trợ hơn trước nên sản phẩm công nhân làm ra được nhiều hơn. Bên cạnh đó, đơn giá sản phẩm cũng cao hơn trước, dẫn đến đồng lương của công nhân cao hơn.
Tổ của tôi chuyên đào lò đá, công việc vất vả hơn đào lò than, do vậy đơn giá sản phẩm cao hơn, trong đó có đơn giá lẻ cho từng sản phẩm, như xúc đá, chèn bê tông, chống lò... Có thời điểm cả tổ 7-8 người đào được 1,4m (tương đương 40m3 đá), tính ngày công đạt khoảng 1,5 triệu đồng/người. Ngoài ra chúng tôi có tiền hệ số ca 3 nhân thêm 1,3 tổng số lương”.
Đặt câu hỏi về câu chuyện gửi công, gửi điểm đối với công nhân mỏ, anh Thiện nói: “Tôi thậm chí còn chưa biết có chuyện đó”.