Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo đối với Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng NN&PTNT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm về việc cung cấp đủ hàng hoá cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hoá.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật giữa mùa dịch Covid-19.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để thiếu hàng hoá phục vụ người dân Hà Nội. Ảnh: VGP. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23h đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.
21h30 tối qua, Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đây là ca thứ 17 của cả nước. Chiều cùng ngày, cơ quan y tế phát hiện thêm 2 ca bệnh mới ở Hà Nội và một ca ở Ninh Bình.
Ngay sau khi có thông tin về trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội, nhiều người đến các siêu thị để mua hàng hoá, thực phẩm.
Trước thực tế đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội sáng 7/3, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đã khuyến cáo người dân không nên mua hàng tích trữ.
"Sáng nay tôi thấy có tình hình người dân đến các siêu thị mua thực phẩm rất đông, việc này khiến nguy cơ lây nhiễm ngay tại siêu thị rất lớn", ông Huệ nói.
Theo ông, việc người dân lo lắng là điều có thể chia sẻ, nhưng sự lo lắng cần thể hiện bằng hành động thực tế, bằng cách tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, có trách nhiệm thông báo tình hình sức khoẻ cho chính quyền các cấp, không nên hoang mang, lo lắng quá mức".
Về thực phẩm, thành phố liên hệ với các đơn vị cung cấp, tiêu biểu như lãnh đạo siêu thị Big C cho biết sẽ bảo đảm nguồn hàng cung cấp thực phẩm.
"Thành phố đủ nguồn lực để bảo đảm thực phẩm cho người dân, chúng ta không cần đi mua tích trữ. Việc đông người xếp hàng mua sắm tại các siêu thị nếu không thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ dễ lây nhiễm dịch bệnh", Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thông tin trong đêm 6/3 và sáng 7/3, lượng hàng bán ra ở các siêu thị, trung tâm tiện ích tăng 40-50%. Sở đã yêu cầu các đơn vị không được tăng giá, găm hàng, đồng thời giao quản lý thị trường giám sát kiểm tra.
Hiện toàn thành phố có 455 chợ; 26 trung tâm thương mại; 142 siêu thị; 1.800 cửa hàng tiện ích và số lượng lớn doanh nghiệp bán hàng online.