Gian nan ngày đầu lập nghiệp
Anh Huỳnh Văn Khanh (SN 1989, trú xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) được “trời phú” cho đôi tay khéo léo nên học xong phổ thông, anh theo nghề chăm sóc, cắt tỉa cây xanh kiếm sống.
Tình cờ, trong một lần đi tỉa cây cảnh cho một gia đình trong phố, anh Khanh nhìn thấy những chậu súng nở hoa rất đẹp, anh tò mò tìm hiểu.
|
Anh Huỳnh Văn Khanh đang trong ao kiểm tra hoa súng nở để cung cấp cho thị trường. |
Tìm hiểu thực tế ở địa phương và trên mạng một thời gian dài, anh Khanh biết được có rất nhiều người chơi hoa súng nhưng nguồn cung ít, chưa đáo ứng đủ. Vì vậy anh đã tìm mua vài loài giống cây súng về trồng thử, cây ra hoa rất đẹp.
Năm 2013, anh Khanh đã mạnh dạn mua giống hoa súng nhập từ Thái Lan và bỏ vốn đầu tư cải tạo diện tích đất cát trắng rộng khoảng 1,2 ha bằng cách lót bạt phía dưới biến thành nhiều ao cạn, mua bùn về đổ xuống ao, lắp hệ thống cấp thoát nước tự chảy hoàn chỉnh…
“Khi thấy tôi bỏ vốn đầu tư trồng hoa súng vào vùng đất cát trắng thì nhiều người đi ngang qua vườn to nhỏ bảo tôi bị điên vì ở khu vực này chưa ai trồng loài hoa này bao giờ. Tuy nhiên, tôi không để ý, kệ họ nói và việc của mình mình làm”, anh Khanh kể lại.
Do kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc, chọn giống… còn non nên lứa hoa súng trồng đầu tiên chết gần một nửa, số còn sống còi cọc không được như mong đợi và bán ra thị trường ít người mua.
Không nản lòng, anh Khanh thuyết phục gia đình tiếp tục bỏ vốn đầu tư trồng lại và rút kinh nghiệm từ lứa đầu tiên, mày mò học hỏi thêm kỹ thuật thêm từ người khác nên từ năm 2016 anh Khanh đã tìm ra phương pháp chăm bón cây hoa súng phù hợp với thời tiết khí hậu vùng biển quê mình.
|
Hoa súng màu tím Huế đang được anh Khanh trồng rất nhiều |
Khi trồng được hoa nở đẹp nhưng thị trường chưa có và phải cạnh tranh khốc liệt với các nơi trồng hoa khác, hàng ngày, anh Khanh phải vận chuyển hoa súng từ quê lên TP Huế để bán, vừa tìm kiếm khách hàng vừa nhờ các cộng tác viên bán hàng thêm. Ngoài ra, anh bỏ tiền thuê quảng cáo online và bán trên mạng xã hội.
“Có hôm khách chỉ đặt một chậu hoa súng, đường thì xa nên phải chạy từ lúc 4h sáng để giao hàng đúng giờ theo yêu cầu của khách nhưng tôi vẫn không quản ngại bởi mục tiêu chính là thu hút khách hàng”, anh Khanh nhớ lại.
|
Những chậu hoa súng to đang được anh Huỳnh Văn Khanh trồng, đặt ở khu vực mới khai hoang. |
Sau khi có khách hàng đều đặn và có số vốn kha khá, năm 2019, anh Khanh tiếp tục thuê thêm gần 2ha đất thuộc vùng đầm lầy, nhiễm mặn khó trồng hoa màu để đầu tư mở rộng trồng hoa súng.
Hiện tại anh sở hữu 2 vườn trồng hoa súng rộng hơn 3ha với khoảng 100 loại hoa súng có hơn 50 màu sắc khác nhau, mẫu mã đẹp và bán dao động từ 300 – 600 nghìn đồng/1chậu tùy loài. Nhờ phát triển được đội ngũ cộng tác viên bán hàng rộng ở các tỉnh, thành nên hiện trung bình mỗi tháng, anh xuất ra thị trường từ 30.000 – 35.000 chậu hoa súng đi khắp nơi.
Thị trường tiêu thụ ổn định, anh đã thuê thêm 7 lao động chuyên trồng và cung cấp hoa súng cho khách quanh năm. Năm 2019, khu đầm lầy cát trắng mang lại cho anh Khanh doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
|
Các chậu nhỏ đã được đổ đất, đặt trong ao nước để trồng súng. |
Anh Khanh chia sẻ, sẽ tiếp tục nhập các loài hoa súng có giá trị cao về trồng và nhân giống, hướng đến làm khu du lịch sinh thái hoa và có thêm nhiều hoa hơn để cung cấp ra thị trường.
“Trước đây, nơi này là vùng đầm lầy nhiễm mặn chẳng ai thuê cả vì trồng hoa màu không hiệu quả. Nếu tôi không quyết tâm, "liều" xin thuê và đầu tư vốn lớn khai hoang thì đến giờ chắc đây vẫn là khu đất bỏ hoang”, ông chủ hoa súng chia sẻ.
Từ những thành công về mô hình trồng hoa súng trên vùng đất cát, anh Huỳnh Văn Khanh đã được nhận bằng khen và kỷ niệm chương doanh nhân trẻ tiêu biểu của Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế.
|
Vùng mới khai hoang rộng khoảng 2ha trồng hoa súng đã đến ngày thu hoạch |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu – Chủ tịch UBND xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nói đây là mô hình có triển vọng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và là một hướng phát triển kinh tế mới để người dân học hỏi.