Báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho thấy, thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm nay ước đạt 67,9% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2020; trong đó: thu nội địa ước đạt 65,6% dự toán, tăng 12,9%; thu từ dầu thô ước đạt 94,9% dự toán, giảm 5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 81,5% dự toán, tăng 37,5%.
"Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, kết quả thu nội địa 7 tháng đạt khá chủ yếu nhờ đà phục hồi khả quan của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020", Vụ ngân sách nhà nước lý giải số thu tăng cao.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 tái bùng phát ở nhiều địa phương và vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Điều này tác động đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và số thu nộp ngân sách.
Diễn biến thu nội địa các tháng giảm dần: tháng 4 (đầu Quý II) thu được 115,6 nghìn tỷ đồng (10,2% dự toán); tháng 5 thu được 85 nghìn tỷ đồng (7,5% dự toán); tháng 6 thu được 80,5 nghìn tỷ đồng (7,1% dự toán) và tháng 7 (đầu Quý III) thu được 101,3 nghìn tỷ đồng (8,9% dự toán).
Trung ương đã chi 4.200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2021 để chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19; các địa phương đã chi 0,76 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, đã xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân.
Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển 7 tháng đầu năm vẫn chậm, mới đạt 36,71% kế hoạch (cùng kỳ năm 2020 đạt xấp xỉ 40,67%), nhất là vốn ngoài nước chỉ đạt 7,52% kế hoạch.
Tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 7 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi ngân sách), trong đó Ngân sách TƯ bội chi, ngân sách địa phương thặng dư. Đây là diễn biến trái ngược với các năm, phản ánh chi đầu tư đang ở mức thấp và bị ảnh hưởng nặng về tình hình dịch bệnh.