Giới sưu tầm trẻ Trung Quốc đang thay đổi thói quen đầu tư và thị hiếu của mình. Thay vì đầu tư vào trà Phổ Nhĩ như trước kia, thế hệ này đang tập trung săn lùng túi xách, đồ chơi và rượu whisky Nhật.
“Từ lâu, trà Phổ Nhĩ được giới doanh nhân Trung Quốc coi là vật phẩm thay thế cho cổ phiếu và bất động sản. Ngoài ra, loại trà này cũng được tích trữ như một khoản đầu tư và làm quà tặng cho khách hàng cao cấp hay các quan chức địa phương”, ông Jay Li, doanh nhân tại Quảng Đông, cho biết.
Whisky Nhật thay trà hiếm
“Khi thấy nhiều nhà sưu tầm trẻ mua rượu whisky Nhật và những món đồ chơi đậm tính nghệ thuật, tôi nghĩ mình nên thay đổi góc nhìn về trà Phổ Nhĩ. Suy cho cùng, thị hiếu của giới trẻ khác với thế hệ chúng tôi và điều đó chắc chắn tác động tới tương lai của thị trường sưu tầm”, ông Li khẳng định.
|
Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhóm người giàu trẻ sinh giai đoạn 1980 - 1994 là nhóm chi tiêu nhiều nhất cho các loại hình sưu tập đắt đỏ. Ảnh: Xiaomei Chen. |
Trong nhiều năm, Li, người kiếm tiền từ việc kinh doanh nhà hàng, đã tích trữ những gói trà Phổ Nhĩ mang giá trị cao. Ông cũng theo sát những buổi đấu giá trà đen lên men đến từ tỉnh Vân Nam. Đây là loại trà có giá trị theo từng năm.
Hơn thế, mỗi mẻ trà đều chứa đựng những câu chuyện, niềm tự hào về văn hoá và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, sản phẩm trà Phổ Nhĩ này đã bị thay thế bởi rượu whisky Nhật, đồ chơi nghệ thuật và những vật phẩm mang tính hip-hop trong danh mục đấu giá.
Hiện nay, những tài liệu phân tích về thị hiếu của thế hệ Millennial (người sinh từ 1980 - 1995) và thế hệ Z (người sinh từ 1995–2010) còn khá hạn chế. Tuy nhiên, nghiên cứu vào năm 2020 của Art Basel và UBS cho thấy tỷ lệ giới nhà giàu thuộc thế hệ Millennial chi hơn 1 triệu USD cho việc sưu tầm là 14%. Trong khi đó, chỉ có 5% giới giàu có thuộc thế hệ Baby Boomer (người sinh từ năm 1940 - 1960) làm điều tương tự.
“Giới sưu tầm ở thế hệ cha mẹ hoặc ông bà tôi hầu hết yêu thích những tác phẩm tượng Phật, đồ sứ, tranh và thư pháp. Đặc biệt, họ ưu tiên giá trị gia truyền thể hiện qua các bộ sưu tầm này. Ngược lại, chúng tôi thích săn lùng những món đồ phiên bản giới hạn có thể đáp ứng nhu cầu xã hội và thể hiện cá tính riêng”, Steve Zhang, 24 tuổi, cho hay. Gia đình anh hiện điều hành một công ty vận chuyển ở Quảng Đông và Hong Kong.
Năm 2019, Hurun công bố bản báo cáo chỉ ra tranh và thư pháp của Trung Quốc chiếm tới 40% mặt hàng được bày bán trong các cuộc đấu giá bởi nhu cầu sưu tầm ở miền bắc nước này tăng cao. Trong khi đó, người dân sống tại khu vực đồng bằng sông Châu Giang lại ưa chuộng món đồ trang sức và ngọc bích. Còn tại Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan, những sản phẩm từ sứ và ngọc bích được ưu ái hơn cả.
Những món đồ chơi đắt đỏ
Trong cuộc đấu giá gần đây ở Quảng Châu, tác phẩm đến từ hoạ sĩ bậc thầy người Trung Quốc, Fu Baoshi, được bán với giá 47,73 triệu NDT (tương đương với 7,3 triệu USD ). Mức giá này cho thấy tranh và thư pháp vẫn được săn lùng bởi tính ổn định về giá trị của nó.
|
Whisky Nhật, túi hàng hiệu hay đồ chơi xa xỉ đang trở thành lựa chọn yêu thích của người giàu trẻ Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Cũng trong buổi đấu giá đó, chiếc túi xách Louis Vuitton mang nét vẽ nhỏ của nghệ sĩ nổi tiếng Nhật Bản, Ayako Rokkaku, được bán với mức giá lên tới 19.900 USD. Theo SCMP, điều đó cho thấy các nhà sưu tầm trẻ Trung Quốc đang thể hiện niềm đam mê về thị trường đấu giá với những vật phẩm rất khác thế hệ cũ. Chưa dừng lại, năm 2019, bộ 28 chai rượu whisky Karuizawa 36 View of Mount Fuji được định giá từ 340.000 NDT - 400.000 NDT. Mức giá của một chai lẻ hiện nay là 20.000 NDT - 28.000 NDT.
Vincent Liu là người điều hành quán bar K&K Whisky & Cigar ở Quảng Châu và dành 1 thập kỷ để sưu tầm rượu whisky. “Rượu whisky đang được săn lùng ráo riết hơn trong những năm gần đây bởi giới sưu tầm trẻ. Điều đó cũng phù hợp với nhu cầu xã hội của thế hệ này.
Đáng nói, họ vừa có đủ tài chính để sưu tầm, vừa đủ khả năng thưởng thức các loại rượu whisky Nhật phiên bản giới hạn có giá từ 40.000 NDT trở lên. Qua đó, họ dễ dàng thể hiện sự thành công hay bản sắc của mình với xã hội”, ông nhận định.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều nhà sưu tầm trà Phổ Nhĩ và rượu trắng đã chuyển sang rượu whisky. Mức giá rượu whisky thường của Nhật có thể tăng từ 10-15%/ năm và những sản phẩm sưu tầm có thể tăng gấp đôi trong vòng 2 năm.
Theo Newman Liang, người sáng lập Target Xplus Advertising, một số mẫu giày thể thao nội địa phiên bản giới hạn thậm chí có giá lên tới 50.000 NDT (7.656 USD).
“Kể từ năm ngoái, hầu hết các nhà đấu giá ở Trung Quốc đều bắt đầu bán nhiều vật phẩm đồ chơi nghệ thuật hơn nhằm phục vụ các nhà sưu tầm trẻ tuổi. Những nhà sưu tầm thuộc thế hệ Millennial dường như không chú ý tới nghệ thuật truyền thống phương Tây. Họ bị thu hút bởi các tác phẩm pha trộn giữa truyền thống phương Đông và hiện đại nhiều hơn”, Liang khẳng định.
Không những thế, thế hệ Z rất thích phong cách cổ trang Trung Quốc và văn hoá ACGN (hoạt hình, truyện tranh, trò chơi, tiểu thuyết). Các nhà sưu tầm có tầm nhìn xa đã bắt đầu săn lùng những món đồ có phiên bản giới hạn riêng cho mình.