Thị trường chứng khoán ‘thủng đáy’ vì sao?

Google News

Phiên cuối tuần chiều 9/7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chìm trong sắc đỏ với 74% số mã chứng khoán giảm khiến VN-Index "bốc hơi" gần 28 điểm, về dưới mốc 1.350 điểm. Nếu tính cả trong tuần, VN-Index đã mất 73,13 điểm (5,15%), xóa đi nỗ lực tăng điểm của 4 tuần trước đó.

Thi truong chung khoan ‘thung day’ vi sao?
 Thị trường "rực lửa", VN-Index "bốc hơi" gần 28 điểm. Ảnh: Minh Phương.
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên giao dịch ngày 9/7 khá ảm đạm với tâm lý bi quan của nhà đầu tư, đây cũng là ngày T+3 của phiên thị trường lao dốc 56 điểm trước đó (ngày 6/7). Các chỉ số chính chìm trong sắc đỏ, số mã giảm điểm áp đảo toàn thị trường.
Đóng cửa phiên chiều 9/7, sàn HoSE có tới 306 mã giảm, trong đó 42 mã giảm sàn và chỉ 77 mã tăng, VN-Index giảm 27,54 điểm (-2,00%), xuống 1.347,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 760 triệu đơn vị, giá trị 25.710 tỷ đồng, tăng 37,67% về khối lượng và 27,29% về giá trị so với phiên ngày 8/7.
Trong đó, cổ phiếu NVL vẫn giữ đà giảm sâu nhất trong nhóm khi kết thúc phiên giảm 6,6% xuống sát mức giá sàn 103.500 đồng/cổ phiếu. Trong rổ cổ phiếu VN30 chỉ còn MWG ở chiều tăng giá, với mức tăng 2,3%; 28 mã cổ phiếu trong nhóm này chìm trong sắc đỏ với các mã giảm mạnh như: NVL giảm 6,6%; VRE giảm 6,4%; SBT giảm 6,2%; TCH giảm 5%; POW giảm 4,8%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt đều giảm mạnh như: STB giảm 3,6% xuống 29.100 đồng/cổ phiếu; LPB giảm 3,3% xuống 28.900 đồng/cổ phiếu; BID, CTG, HDB, TPB, MSN, ACB giảm hơn 2%;, VCB giảm 1,1% xuống 109.800 đồng/cổ phiếu… Ngoại trừ duy nhất VIB vẫn giữ mức tăng khá tốt 1,9% và kết phiên tại 52.400 đồng/cổ phiếu. Nhiều mã lớn khác cũng giảm sâu như: HPG giảm 3,5% xuống mức 47.300 đồng/cổ phiếu; MSN giảm 2,4% xuống 116.900 đồng/cổ phiếu; BVH giảm 3,3% xuống 53.100 đồng/cổ phiếu; PLX giảm 2,9% xuống 50.800 đồng/cổ phiếu …
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 9/7, chuyên gia chứng khoán - tài chính Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán (CTCK) Maybank KimEng Việt Nam cho biết: “Thị trường chứng khoán (TTCK) đang mất đi một số lực đỡ. Mặc dù 6 tháng đầu năm, số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán rất đông, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính, mỗi ngày có gần 2.700 tài khoản chứng khoán mở mới nhưng chủ yếu lại là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức lại không tham gia nhiều và liên tục bán ròng trong 5 tuần liên tiếp. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, số lượng bán ròng và mua xen kẽ nhưng lượng cổ phiếu bán ròng là chủ yếu”.
Vì vậy theo ông Phan Dũng Khánh, dòng tiền đổ vào thị trường chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ lẻ nên không đủ sức để có thể chống đỡ thị trường. Đây là nguyên nhân khiến thị trường gần đây liên tục lao dốc và mất điểm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến “sức khỏe” của các nhà đầu tư tổ chức “đuối”. Đó cũng là lý do lượng nhà đầu tư này bán ròng liên tục trong thời gian qua.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), sau một thời gian “phấn khích”, TTCK có thể điều chỉnh giảm khoảng 7 - 10% nên nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh. Đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh.
“Với những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, đặc biệt sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) - các nhịp hồi phục là cơ hội để bán giảm tỷ trọng, đưa danh mục về mức cân bằng, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nhà đầu tư đã thực hiện bán chốt lời, có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể coi nhịp điều chỉnh là cơ hội mua vào, đặc biệt là khi chỉ số tiếp cận vùng hỗ trợ 1.300-1.320 điểm”, ông Trần Xuân Bách - chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.
Theo ông Trần Xuân Bách, những biến động ngắn hạn của TTCK thời gian qua vẫn tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn. Vì vậy, việc cân bằng tỷ trọng danh mục trong giai đoạn này là điều cần thiết.
Mặc dù dịch bệnh còn phức tạp, kéo dài nhưng với tốc độ triển khai tiêm chủng quyết tâm của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2021. Được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Không chỉ vậy, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và động lực "sợ bỏ lỡ" cùng với dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán về cuối năm.
Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDIRECT, giai đoạn đầu tư 6 tháng đầu năm “dễ dàng” đã qua đi, thời điểm này cần phải “chọn mặt gửi vàng” các mã chứng khoán chất lượng. Đó là các doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững, khả năng mở rộng kinh doanh, có vị thế nắm bắt được các cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới đồng thời đòn bẩy tài chính thấp và khả năng chống chịu tốt với lãi suất.
Báo cáo VNDIRECT cho rằng: Xu hướng của thị trường sẽ được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, động lực “sợ bỏ lỡ” và dòng tiền mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán duy trì. TTCK vẫn được trợ lực bởi nền kinh tế trên đà hồi phục cùng kết quả tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp trong năm. Cụ thể, VNDIRECT ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE sẽ tăng trưởng 30% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh thứ 2 thế giới
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành thị trường tăng mạnh thứ 2 trên thế giới. Tính đến ngày 30/6, chỉ số VN-Index đạt 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 323,32 điểm, tăng 59,2% so với cuối năm 2020.
Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 6.838 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% so với cuối năm 2020, tương đương 108,7% GDP. Bất chấp động thái bán ròng trở lại của khối ngoại trong những tháng đầu năm khi TTCK thế giới đang trong quá trình điều chỉnh, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu vẫn tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường.
 
Theo M.Phương-H.Yên/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)