Khoảng 8h sáng, trời có mưa khiến bãi biển Đà Nẵng vắng người. Lúc này ông Phạm Thanh (70 tuổi, trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lại tiến về bãi biển Mân Thái để bắt đầu một ngày rong ruổi đi cào nghêu (Ảnh: Hoài Sơn).
Nghêu là động vật thân mềm có hai mảnh vỏ, sống ở biển. Người dân địa phương chủ yếu đánh bắt nghêu tự nhiên. Loại này có giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) (Ảnh: Hoài Sơn).
Ra tới biển, gió lạnh phà vào mặt rát rạt, ông Thanh nhìn trời than thở: "Trời hôm nay xấu quá, sóng lớn, không biết thân già này có làm nổi không đây". Nói chưa dứt câu, ông đã cúi gằm xuống bọt sóng, chậm rãi sục sạo dưới cát (Ảnh: Hoài Sơn).
Đồ nghề ông mang theo chỉ có chiếc túi đựng đeo sau lưng, bao tay và chiếc vợt làm bằng tre dài. Chiếc vợt được thiết kế theo hình chữ V ngược để gắn lưỡi cào. Trên thân vợt cột thêm một chiếc túi đựng đan bằng lưới (Ảnh: Hoài Sơn).
Công việc vất vả, hầu như phải ở dưới nước cả ngày nên cùng với đồ nghề cào nghêu, ông Khanh lúc nào cũng mang bên mình chai nước uống và hai củ khoai buộc ở sau đầu (Ảnh: Hoài Sơn).
Theo chân lão ngư đi thụt lùi, lọc cát cào "ngọc biển" (Video: Hoài Sơn).
"Từ chân núi Sơn Trà tôi cào mãi xuống bãi biển Phạm Văn Đồng rồi ăn trưa bằng khoai. Sau đó lại cào về nhà. Một ngày, tôi ở dưới nước khoảng 8 giờ", ông Thanh nói (Ảnh: Hoài Sơn).
Nghêu nằm sâu trong lòng cát, đòi hỏi người cào phải ngâm mình dưới nước ngập ngang đầu gối, thậm chí ngang ngực để nhấn sào sâu xuống cát và kéo thụt lùi. Lúc này nghêu sẽ lọt vào lưới (Ảnh: Hoài Sơn).
Theo ông Thanh, ở làng biển này cứ vào mùa nghêu sẽ có hàng chục người đi cào để kiếm "ba cọc ba đồng". Suốt ngày họ phơi mình trong nắng, gió và nước biển. Nếu may mắn, một ngày có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng, góp phần cải thiện cuộc sống (Ảnh: Hoài Sơn).
"Cào nghêu cũng may rủi, có khi cào cả buổi chẳng thấy nghêu đâu nhưng có ngày chỉ một lúc là được kha khá. Như ngày hôm nay, tôi cũng kiếm được gần 200.000 đồng rồi", ông Thanh nói (Ảnh: Hoài Sơn).
Ở cái tuổi 70, từng làm nhiều nghề, nhưng cũng ngần ấy năm, ông Thanh gắn cuộc đời mình với những con nghêu. Giờ đây sức khỏe đã giảm, làm vài phút, ông lại phải nghỉ giải lao, dùng tay đấm lưng bùm bụp cho bớt đau mỏi (Ảnh: Hoài Sơn).
Đưa tay quẹt vội dòng nước bắn lên trán, ông Thanh đáp lại câu hỏi bằng giọng chua chát: "Phải dùng chân sục xuống cát tìm nghêu. Có khi bị vỏ ốc, mảnh sành cứa chảy máu. Ngâm nước biển nhiều da cũng bị bong tróc, ngứa ngáy vô cùng. Công việc làm lâu ngày, người làm nghề ai cũng bị đau lưng, cột sống" (Ảnh: Hoài Sơn).
Cào đến trưa, sóng biển bắt đầu mạnh hơn và chiếc cào nặng trĩu trên tay khiến ông phải dừng lại nghỉ. Ông trầm ngâm: "Biết cực là vậy nhưng không đi thì làm gì đây. Cái nghề này được bao nhiêu đâu, nhưng cũng giúp tôi có được vài đồng, nhất là ở cái tuổi già này" (Ảnh: Hoài Sơn).
Chiều xuống, thủy triều lên, bãi cát nhanh chóng chìm dưới nước. Tầm này, nhiều nhà đang chuẩn bị bữa cơm chiều, nhưng trước biển, dáng người ông Thanh vẫn đang nhấp nhô trên đỉnh sóng, nhẫn nại với cuộc mưu sinh (Ảnh: Hoài Sơn).
>> xem thêm
Bình luận(0)