COVID-19 đã làm thị trường chứng khoán sụt giảm điểm nghiêm trọng, điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư bằng chứng là số tài khoản mở mới đạt mức kỷ lục. Không chỉ có nhà đầu tư cá nhân mà các công ty cũng bị hút vào cuộc chơi này.
Một doanh nghiệp trong lĩnh vực thuỷ sản được mệnh danh là “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn (VHC) gây bất ngờ khi công bố khoản tiền đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán gần 194 tỷ đồng, bên cạnh khoản tiền gửi dồi dào hơn 1.530 tỷ đồng.
Điều này cho thấy Vĩnh Hoàn là một trong những doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt khá lớn. Ở Vĩnh Hoàn, tại thời điểm 30/6, Công ty đang gửi ngân hàng gần 1.392 tỷ đồng và giữ khoản tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn khoảng 143,5 tỷ đồng.
|
Những khoản đầu tư của Vĩnh Hoàn. Nguồn: VHC. |
Những cổ phiếu cơ bản tốt mà Vĩnh Hoàn giải ngân bao gồm MWG của Thế giới Di động với số tiền 87 tỷ đồng (trích lập dự phòng cho khoản đầu tư này là gần 5 tỷ đồng), FPT với 29 tỷ đồng, HPG của Hòa Phát với gần 24 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân khiến Vĩnh Hoàn thực hiện công việc đầu tư chứng khoán. Thứ nhất là do hoạt động kinh doanh cốt lõi bị suy giảm. Thứ hai, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng khá thấp, cổ phiếu đang được đánh giá đang rẻ và xuống thấp nên đây là thời điểm thuận lợi để đầu tư.
Thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2020 Vĩnh Hoàn báo lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 49% xuống 367 tỷ đồng do xuất khẩu cá tra giảm mạnh trước tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là tại thị trường Mỹ (giảm 64% trong tháng 6) và Trung Quốc (giảm 46%).
Không chỉ những ông lớn, một doanh nghiệp nhỏ là Sách Giáo dục tại Thành phố Hà Nội (Haebco, EBS) cũng mạnh tay khi gom gần 18 tỷ đồng cổ phiếu trong thời gian qua, chiếm gần 11% tổng tài sản của Công ty tại thời điểm 30/6.
Nếu như Vĩnh Hoàn đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hoá lớn (bluechips) thì Haebco chủ yếu mua vào các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhóm ngân hàng, Cụ thể, Haebco đã mua vào 1 triệu cổ phiếu LCG của Licogi 16, gần 367.000 cổ phiếu HDG của Hà Đô.
Hai cổ phiếu ngân hàng nằm trong danh mục là LPB của Ngân hàng Liên Việt và STB của Sacombank. Ngoài ra, danh mục đầu tư của Công ty sách này còn có các cổ phiếu khác như DGC, TCS, LAS, DBC.
|
Các khoản đầu tư chứng khoán của Haebco. Nguồn: Haebco. |
Trước đây, giai đoạn 2007-2008, đã có một làn sóng các doanh nghiệp mang tiền đổ vào thị trường chứng khoán như Công ty mía đường La Ngà, công ty XNK Thủy sản Hà Nội…
Việc các doanh nghiệp muốn tối ưu tối đa hiệu suất của đồng vốn là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên các doanh nghiệp có thể ủy thác cho các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, thay vì tự đầu tư vì thị trường diễn biến khó lường, không thể đảm bảo cổ phiếu sẽ sinh lời mãi mãi.
Điển hình là trường hợp của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) khi cho thấy các rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu. Dù đã tham gia vào thị trường chứng khoán nhiều năm, nhưng Nhà Đà Nẵng vẫn phải chịu cảnh thua lỗ liên tiếp. Gần đây nhất, Công ty phải bán toàn bộ danh mục đầu tư chứng khoán trong quý 2.
Theo đó, Nhà Đà Nẵng đã bán một số cổ phiếu nổi bật như PNJ (giá trị vốn gốc hơn 35,3 tỷ đồng), FPT (gần 34,4 tỷ đồng), PHR (13,5 tỷ đồng) và một số mã khác như VNM, GVR, HUB, MBB. Trong khi đó, hồi đầu năm 2020, giá trị đầu tư chứng khoán của công ty ở mức 107,6 tỷ đồng.
Việc bán cắt lỗ danh mục đầu tư trong quý 2 khiến Nhà Đà Nẵng hạch toán lỗ đầu tư chứng khoán hơn 24 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, Nhà Đà Nẵng được biết đến là nhà đầu tư có kinh nghiệm với giá trị danh mục đầu tư thường xuyên duy trì ở mức hàng trăm tỷ đồng.
Năm 2008, Bộ Xây dựng đã từng ra chỉ thị "bật đèn đỏ" tới các doanh nghiệp trực thuộc liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính. Tại chỉ thị số 06/2008/CT-BXD, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hiệu quả của những khoản đầu tư gián tiếp, góp vốn đầu tư ra ngoài. Đồng thời, trước mắt chưa tham gia đầu tư chứng khoán, góp vốn vào các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng có tính chất mạo hiểm.