Thanh lý dự án trung tâm phân phối và mua sắm Hà Nội

Google News

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động đầu tư dự án "Trung tâm phân phối và mua sắm Hà Nội" của Hapro.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động đầu tư dự án “Trung tâm phân phối và mua sắm Hà Nội” tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Trước đó, ngày 5/11, Sở đã nhận được thông báo chấm dứt đầu tư từ doanh nghiệp. Dự án này được Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 6/2016. Nhà đầu tư có thể chấm dứt dự án theo Luật Đầu tư 2020, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Sở này đề nghị Hapro hoàn thành các thủ tục thanh lý dự án theo quy định và thực hiện các nghĩa vụ liên quan đối với nhà nước.
Hồi cuối tháng 11, Hà Nội cho biết đã quyết định thu hồi 4 dự án chậm triển khai tại huyện Mê Linh do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai hoặc có văn bản đề nghị trả lại, xin dừng. Các dự án này gồm: Khu đô thị mới Prime Group; Khu đô thị mới Vinalines, Khu đô thị mới BMC; Khu đô thị mới Việt Á. Riêng đối với dự án khu đô thị mới Vinalines, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện quyết định thu hồi 12 tháng do nhà đầu tư khiếu nại.
Thanh ly du an trung tam phan phoi va mua sam Ha Noi
Bản đồ quy hoạch xã Hải Bối. (Ảnh: Báo Giao Thông).
Hapro do ông Nguyễn Thái Dũng là Chủ tịch HĐQT, Công ty này là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thương mại và phân phối ở Hà Nội với vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, được IPO năm 2018. Tại thời điểm cổ phần hóa, Hapro nắm giữ quỹ đất vào loại “khủng” ở Hà Nội, với 183 cơ sở nhà đất.
Thông tin trên báo Lao Động, theo bản cáo bạch IPO thì sau khi cổ phần hóa, nhà nước sẽ thu hồi 63 cơ sở nhà đất và giao cho Hapro tiếp tục quản lý sử dụng 114 cơ sở nhà đất, trong đó có không ít địa chỉ được liệt vào dạng “đất vàng” như 7-9 Đinh Tiên Hoàng, 19-21 Đinh Tiên Hoàng, 38-40 Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm), 28 Hàng Bồ (Hoàn Kiếm), 46 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm), 13-15 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm), 66 Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm), số 1 Điện Biên Phủ, 82 Hàng Đào (Hoàn Kiếm), 94 Hàng Đào (Hoàn Kiếm), 41 Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm), 43 Hàng Gai (Hoàn Kiếm), 15 Nhà Chung (Hoàn Kiếm), 15-17 Đội Cấn, 98 Phố Huế, 362 phố Huế, 111 Lê Duẩn, 135 Lương Đình Của (Đống Đa), 11-13 Thành Công (Ba Đình), D2 Giảng Võ, 11B Cát Linh…
Dù nắm trong tay nhiều đất vàng, nhưng các năm gần đây, đặc biệt từ sau khi cổ phần hóa, doanh thu của Hapro giật lùi, đặc biệt lao dốc vào năm 2020.
Cụ thể, báo chính hợp nhất quý 3/2021 cho thấy, tại thời điểm ngày 30/9/2021, Hapro có 51,3 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tăng gấp 3 lần đầu năm, bất động sản đầu tư 106,4 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm, đầu tư tài chính dài hạn 232,9 tỉ đồng, giảm 3% so với đầu năm, trong đó đầu tư vào Công ty liên kết liên doanh 166,6 tỉ đồng, giảm 6,3 tỉ đồng so với đầu năm.
Quý 3/2021, Hapro đạt doanh thu hợp nhất 126,6 tỷ đồng, giảm 37% so với quý 3/2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,1 tỷ đồng. Trong khi quý 3/20220 âm 4,3 tỷ.
Nhờ có khoản lợi nhuận khác 1,2 tỷ đồng mà quý 3/2021 Hapro chỉ còn lỗ 1,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 3 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Hapro đạt doanh thu hợp nhất 476 tỉ đồng giảm 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 8,7 tỷ đồng (gấp 3 lần số lỗ 9 tháng đầu năm 2020), lợi nhuận khác 4,7 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Hapro là âm 4,2 tỷ đồng, gấp 20 lần số lỗ của 9 tháng đầu năm ngoái.
Khánh Hoài (T/H)

>> xem thêm

Bình luận(0)