Thông tin UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn về việc thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 11.994 tỷ đồng tại dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang (sân bay Nha Trang cũ) đang thu hút sự chú ý của dư luận.
|
Dự án BT nút giao thông Ngọc Hội là 1 trong 3 dự án BT được tỉnh Khánh Hòa giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư. (Ảnh: Lao Động). |
Tìm hiểu của PV, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, được thành lập vào năm 2004 tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Phúc Sơn là ông Nguyễn Văn Hậu.
Dù chỉ là một doanh nghiệp bất động sản “sinh sau đẻ muộn” trong thị trường, nhưng Tập đoàn Phúc Sơn đã sở hữu hàng loạt bất động sản đình đám tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ như: Khu Trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn quy mô 130ha; Khu nhà ở 15 tầng cho người có thu nhập thấp tại Vĩnh Yên; Khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149 ha,...
Ngoài các dự án bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn trúng thầu xây dựng một số công trình: Đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng với tổng số vốn hơn 1.500 tỷ đồng,...
Tập đoàn Phúc Sơn cũng là nhà thầu chính trong việc tu bổ nâng cấp khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Ƭhọ.
Sau khi trở thành doanh nghiệp tên tuổi ở phía Bắc, Tập đoàn Phúc Sơn tiến quân vào phía Nam với dự án BT sân bay Nha Trang cũ. Tập đoàn này thực hiện 3 dự án hạ tầng. Đổi lại, tỉnh này sẽ giao 62,3ha phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3 ở Sân bay Nha Trang cũ để Phúc Sơn thực hiện dự án khu trung tâm đô thị thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Dưới sự lèo lái của doanh nhân Nguyễn Văn Hậu, Tập đoàn Phúc Sơn có trong tay một danh mục dự án đồ sộ. Dù vậy, tình hình kinh doanh những năm gần đây của Tập đoàn này lại “tụt dốc không phanh”.
Theo Người Đồng Hành, giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn Phúc Sơn giảm 83% còn 77,6 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần trong giai đoạn này cũng giảm, thậm chí 2 năm 2020 - 2021 âm liên tiếp 17 tỷ đồng và 17,9 tỷ đồng.
Cũng sau 5 năm, tài sản gấp gần 3 lần, đạt 7.587 tỷ đồng vào năm 2021. Vốn chủ sở hữu đạt 1.896 tỷ đồng.