TTCK Việt Nam diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối tháng 3 sau hàng loạt các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và Thông tư sửa đổi nhằm giãn/ giảm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Các động thái này cho thấy nhà điều hành đang hướng đến các ưu tiên trọng tâm là hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Do vậy, VDSC kỳ vọng sẽ tiếp tục có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành trong tháng 4, qua đó tạo xung lực giúp TTCK duy trì sự sôi động.
Tuy nhiên, VDSC muốn lưu ý rằng giải pháp chính sách và lãi suất hạ nhiệt sẽ mang lại cơ hội tồn tại cho doanh nghiệp. Song để có thể tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu cần cho thấy sự phục tích cực hơn.
Ở khía cạnh này, VDSC nhận thấy kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bất định, với tăng trưởng chậm trong khi lạm phát vẫn giữ ở vùng cao và rủi ro thanh khoản của hệ thống tài chính ngân hàng thế giới. Hay nói cách khác, kinh tế toàn cầu đang đối diện rủi ro “đình lạm”.
Chỉ số PMI tháng 3 của Việt Nam cũng giảm về mức dưới 50 điểm, thấp hơn so với các quốc gia lân cận, cho thấy triển vọng phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước còn khá mong manh.
Trên cơ sở đó, VDSC cho rằng thị trường đang mang lại các cơ hội giao dịch ngắn hạn, đặc biệt ở các nhóm ngành có độ nhạy cao với lãi suất như ngân hàng, chứng khoán, và bất động sản xây dựng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý 1/2023 tích cực hơn mặt bằng chung của thị trường cũng là những cơ hội giao dịch ngắn hạn đáng xem xét.
|
Hiệu quả đầu tư trong tháng 3. |
Bên cạnh các cổ phiếu đã được khuyến nghị trong tháng 2 và 3, gồm PVD, PVT, ACB, GMD, FPT, QNS, hai ý tưởng mới được bổ sung trong tháng 4 gồm VCB và KBC.
Với quan điểm là cơ hội ngắn hạn, VDSC bảo lưu khuyến nghị NĐT chỉ phân bổ 30 – 50% giá trị danh mục cho các ý tưởng đầu tư này, và cân nhắc hiện thực hóa lợi nhuận khi các số liệu kinh doanh quý 1 chính thức được công bố.
VCB
Trong bối cảnh lãi suất cao và nền kinh tế ảm đạm, VCB với chính sách chọn lọc khách hàng nghiêm ngặt, nhóm phân tích kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ giúp thu nhập lãi tăng 21%. Thu nhập ngoài lãi dự kiến sẽ chậm lại và tổng thu nhập hoạt động dự báo tăng 12%.
Tiết kiệm chi phí và tốc độ tăng chi phí dự phòng chậm hơn sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. Lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 9.200 tỷ đồng (giảm 7,3% so với quý trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ).
KBC
VDSC điều chỉnh giá mục tiêu của KBC lên mức 29.000 đồng/cp, sau khi Thành phố Hải phòng nhận được quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040 – tầm nhìn 2050. Bởi lẽ, đây là tiền đề để các nút thắt pháp lý tại các dự án KCN – Đô thị Tràng Duệ 3 (678 ha) và Tràng Cát 3 (582 ha) được xử lý.
KBC hiện đã giải phóng mặt bằng 15 ha tại KCN Tràng Duệ 3, nếu có được chủ trương trong năm nay, KBC có thể tiến hành đầu tư khai thác trong năm 2024. Riêng trong quý I/2023, VDSC kỳ vọng doanh nghiệp có thể ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực từ các KCN Nam Sơn hạp Lĩnh và Quang Châu mở rộng.