Anh Nguyễn Đăng Duy (Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) dành 1 tuần đi tìm hiểu các căn hộ tập thể cũ khu vực trung tâm như Giảng Võ, Thành Công, Nghĩa Tân, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Công Trứ… nhưng vẫn chưa tìm được căn ưng ý, vừa túi tiền. Anh cho biết, hiện vợ chồng anh và con nhỏ sống khá thoải mái trong nhà mặt đất rộng 90m2 tại Long Biên, nhưng vẫn quyết định chuyển vào nội thành để tiện làm việc và cho con học đúng tuyến ở những trường chất lượng cao.
“Tôi định mua chung cư giá rẻ, nhưng thấy nhiều công trình xuống cấp nhanh, lại xa trung tâm nên mới chuyển sang lựa chọn nhà tập thể cũ”, anh Duy chia sẻ. Tuy nhiên, trái với dự tính ban đầu của anh, ngân sách 1,2-1,4 tỷ đồng hiện có chưa đủ cho anh chọn được căn hộ ưng ý trong những khu tập thể cũ nhưng có vị trí đắc địa tại các khu vực trung tâm. Theo khảo sát, giá thị trường trên phân khúc bất động sản này hiện đang dao động ở mức 30 – 40 triệu đồng/ m2. Cá biệt có những căn vị trí tốt được chủ hộ “hét” tới 50 triệu đồng/m2, đắt ngang chung cư thương mại cao cấp.
Đơn cử như các căn hộ tập thể tại khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy) hoặc Thành Công (Ba Đình). Đây được mệnh danh là đất vàng cho gia đình trẻ bởi khu vực trung tâm này quy tụ nhiều trường học, gần công viên, chợ, bệnh viện, các trung tâm vui chơi giải trí... Đánh vào tâm lý “mua chỗ ở là phụ, mua tiện ích là chính” của khách hàng, nhiều chủ hộ rao bán nhà tập thể cũ với giá “cắt cổ”, bất chấp thực tế những căn hộ này đã quá hạn sử dụng hơn chục năm nay.
|
Các căn hộ tập thể cũ khu vực Nghĩa Tân (Cầu Giấy) hiện có giá bán ngang chung cư cao cấp 30-40 triệu đồng/m2. |
Một chủ hộ rao bán căn tập thể tầng 4 tại Nghĩa Tân, diện tích sổ đỏ 17m2, diện tích sử dụng 20m2 với giá 950 triệu đồng. Trong vai người đi xem nhà, chúng tôi được chủ hộ dẫn đi hết 8 đoạn cầu thang tối om, sực mùi ẩm mốc, vào căn hộ nhỏ hẹp, thiếu khí, thiếu ánh sáng.
Chủ nhà cho biết, vợ chồng chị và hai con đã ở đây hơn chục năm. Tuy diện tích khá nhỏ nhưng điều kiện điện – đường – trường – trạm tốt nên không nỡ rời đi. Nhưng nay các con đã lớn, chị muốn bán lại để có tiền mua chỗ ở mới thoải mái hơn. Chị gợi ý chúng tôi nếu mua lại căn hộ này có thể cơi nới ra phía trước để mở rộng không gian. Nhà vệ sinh rộng khoảng 1m và căn bếp 3m cách phòng ở chính một đoạn hành lang cũng được chủ nhân gợi ý nên sửa sang lại.
Tại một căn tập thể khác tầng 1 cùng trong khu vực được quảng cáo “hiếm có khó tìm” ngay mặt phố Nghĩa Tân, diện tích sử dụng khoảng 80m2 được chủ nhân rao giá là 3,3 tỷ đồng. Bị chê đắt, chủ hộ phật ý: “Tôi cho thuê để kinh doanh giá đã lên tới mười mấy, hai mươi triệu/tháng rồi. Giá trị căn nhà không chỉ phụ thuộc vào chất lượng mà còn phải xét tới thế đất, điều kiện sống quanh khu vực. Cũng theo chủ nhà này, bên Huỳnh Thúc Kháng ở tầng cao giá cũng tới 3-4 tỷ một căn”.
Nhà chị Phương Thanh (tập thể Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa) mới chuyển tới được vài tháng, cho biết, tuy gia đình phải bỏ tới gần 4 tỷ đồng để sở hữu căn tập thể cũ khoảng 100m2, nhưng chị cảm thấy rất ưng ý. Gần 4 tỷ bỏ ra mua căn chung cư cũ nghe thì đắt đỏ, nhưng nếu đánh đổi với những tiện ích mà nó mang lại thì rất đáng. Tập thể cũ nhưng chất lượng công trình kiên cố, dân cư trí thức, nằm ngay 2 tuyến phố đẹp của thủ đô là Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Chí Thanh. Và đặc biệt, con tôi sau này sẽ học hành đúng tuyến, vào các trường điểm mà không cần xin xỏ, chạy vạy”, chị Thanh chia sẻ.
Khác với những khu tập thể còn sử dụng được, khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng) ở tình trạng xuống cấp đáng báo động nhiều năm nay. Tuy nhiên, các chủ hộ tại đây vẫn đăng tin bán nhà với mức giá 30 – 40 triệu đồng/m2.
Anh Hải Minh, chủ một căn tại tầng 2 nhà D rao bán 30m2 căn sổ đỏ chính chủ với giá 1,5 tỷ đồng. Anh tự tin nói chắc sớm bán được, vì “khách tới mua sẽ không phải chịu cảnh cũ nát quá lâu, do nhà đã nằm trong dự án xây dựng chung cư mới. Lúc đó, nhờ vị trí đắc địa, bán qua tay cũng lãi cả tỷ đồng”.