Phế phẩm từ cây chuối được nghiền nát, ủ với vi sinh vật bản địa trở thành phân bón hữu cơ bón ngược lại cho cây chuối. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết, cách làm này giúp tiết kiệm khoảng 30-45% chi phí phân bón đầu vào cho đơn vị. Nếu quy ra tiền, 1 niên vụ chuối (10 tháng) sẽ tiết giảm được khoảng 35 triệu đồng/ha. Với tổng diện tích trồng chuối 300ha, HTX này tiết kiệm được 10,5 tỷ đồng/niên vụ.
Tuy nhiên, giá trị không đo đếm bằng tiền cụ thể. Khi HTX sử dụng phân hữu cơ, giúp cải tạo đất về lâu dài, giữ độ ẩm, độ mùn trong đất. Tận dụng phế phẩm từ chính cây chuối làm phân, tạo vòng sinh thái khép kín, giúp đất trồng trù phú, trái chuối ngọt hơn. HTX đã chuyển đổi từ 2-3 năm trước. Đây là mục tiêu của nông nghiệp bền vững chứ không chỉ lợi nhuận trước mắt.
Với diện tích trồng chuối 120ha ở Long An, “vua chuối” Võ Quan Huy cũng tiết lộ, số tiền tiết kiệm được rất lớn sau 10 năm áp dụng kinh tế tuần hoàn. Bởi, sản phẩm phân bón hữu cơ ngoài thị trường có giá bán cao hơn so với phân ủ tự làm. Ngoài ra, chất lượng đất 10 năm qua cải thiện rõ rệt.
|
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giúp tiết giảm chi phí, giữ đất trù phú. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà) |
Áp dụng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn cho toàn bộ chuỗi sản xuất, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch GC Food, thông tin, doanh nghiệp giảm được các khoản chi phí từ 20-30% phân bón hữu cơ và các loại chế phẩm vi sinh. Chất thải của lĩnh vực này bổ sung cho khâu sau.
Ví dụ, trong quá trình sản xuất nha đam, lượng vỏ lá nha đam bỏ đi rất nhiều. Do vậy, công ty kết hợp ủ phế phẩm đó với phân bò khô sẵn có tại trang trại để tạo ra phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ bón cây trồng, hay còn gọi là phân bò nha đam. Lượng phân bò nha đam dùng lại cho chính vườn nha đam, nho, táo, ổi của công ty. Sau kiểm nghiệm, chất lượng quả thành phẩm tăng.
Triết lý “thực phẩm an toàn, cuộc sống hạnh phúc” của đơn vị không thể thực hiện trong 1-2 ngày mà từ 5-6 năm trước. Khi công ty bắt đầu tham gia vào trồng trọt, đã kiểm soát cả quá trình bằng công nghệ, xây dựng hệ thống Big Data dữ liệu hóa toàn bộ thông tin từ gieo giống đến thu hoạch, để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Vì đi theo hướng canh tác an toàn nên nông sản của doanh nghiệp theo mùa vụ, sản lượng không quá cao, nhiều yếu tố tạo giá thành sản phẩm cao hơn mặt bằng chung trên thị trường. Tuy nhiên, ông Thứ cho rằng, người tiêu dùng ngày nay yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa. Họ muốn đồ ăn sạch, tốt cho sức khỏe, sẵn sàng chi trả ở mức giá cao hơn. Nông nghiệp hữu cơ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Báo cáo về hành vi và xu hướng tiêu dùng do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố tháng 3/2023 cũng chỉ ra, thực phẩm sạch, an toàn, được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang được nhiều gia đình ưu tiên. Người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, đồ uống có nguyên liệu đảm bảo “xanh” và “sạch”.
Cụ thể, đối với nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, 55% người tiêu dùng lựa chọn yếu tố sản phẩm vệ sinh an toàn là hàng đầu; tương tự, nhóm ngành hóa mỹ phẩm, sản phẩm vệ sinh, yếu tố an toàn sử dụng cũng được 66% người tiêu dùng chọn.
Theo ông Lý Minh Hùng, các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang tìm đến mua chuối của HTX nhiều hơn. Những khách hàng này rất quan tâm tới tính hữu cơ trong nông nghiệp, độ pH của đất. Họ hỏi cụ thể về cách tưới nước, bón phân ra sao.
“Phong cách tiêu dùng thực phẩm giờ rất khác, khách hàng không quá đặt nặng về tính thương mại. Họ ưu tiên phát triển bền vững, trách nhiệm cộng đồng, an sinh xã hội. Thậm chí, họ quan tâm cả việc HTX trồng chuối có giúp đời sống của nông dân bản địa khá lên hay không”, ông Hùng nói thêm.