Theo Nghị định 49/2017 của Chính phủ thì các nhà mạng đã dành cả 1 năm qua để thu thập thông tin thuê bao. Tuy nhiên, nhiều người không đi đăng ký vì lo sợ lộ thông tin cá nhân và thắc mắc tại sao nhà mạng không dùng hình ảnh trên CMND mà bắt khách hàng đến trụ sở chụp hình.
Lộ thông tin cá nhân, ai chịu?
Bạn đọc Hà Trần cho rằng các nhà mạng bắt khách hàng đăng ký thông tin cá nhân là do không quản lý được thuê bao đi động, mặc dù người dân khi hòa mạng đã đăng ký đầy đủ. Bây giờ bắt khách hàng phải cập nhật thông tin cá nhân mới cho sử dụng tiếp. "Thời đại nào mà bây giờ còn phải rồng rắn xếp hàng cả buổi chỉ để chụp cái hình mà không biết nhà mạng sẽ dùng để làm gì?" – bạn đọc này búc xúc.
|
Khách hàng phải xếp hàng để đến lượt đăng ký thông tin. |
Còn bạn đọc Thanh Mai cho rằng cách làm của nhà mạng là tối kiến. Đã mấy lần bổ sung thông tin và đều có cập nhật CMND có dán ảnh còn hạn sử dụng. Vậy tại sao nhà mạng không lọc dữ liệu để bổ sung những thuê bao mới phát sinh từ 24-4-2017 đến nay còn thiếu thông tin thay vì yêu cầu tất cả thuê bao phải bổ sung như nhau.
Còn bạn đọc Trần Văn Nam cho rằng: "Các nhà mạng tung hỏa mù, trước quy định của nhà nước thì làm ra vẻ nghiêm chỉnh nhưng sau lưng thì đua nhau bán sim rác. Vấn đề này phải xem lại mới được, đây chính là lối hành dân là chính. Bao năm nay, sim rác bán như rau nhưng các nhà mạng bất lực, hoặc làm ngơ để tăng doanh thu. Đến giờ nhà nước siết chặt thì gây sức ép ngược lại khách hàng là điều vô lý".
|
Các nhà mạng treo thông báo nhắc khách hàng đăng ký thông tin trước ngày 24-4. |
Trong khi đó, bạn đọc Lê Quốc Hùng nhìn nhận thông tin tốt là thông tin phải được phân quyền theo nguyên tắc tôn trọng thông tin cá nhân và bảo mật tuyệt đối. Đối với các nhà mạng, nhà nước chỉ nên cho phép được biết số CMND là đủ, nếu ai phạm pháp, công an sẽ có quyền truy xuất tiếp. Như cách làm hiện nay, thông tin sinh trắc học của khách hàng được lấy tràn lan trong khi biện pháp bảo mật chưa hoàn chỉnh sẽ là lỗ hổng cho kẻ xấu đánh cắp. Đến lúc đó, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?" – bạn đọc Hùng đặt vấn đề.
Chụp hình cũng bị "hành"
Là khách hàng phải đi đăng ký thông tin cá nhân, bạn đọc Út Nguyễn kể: "Đi từ sáng đến 5 tiếng sau mới tới lượt mình, mặt ngắn như cái bơm. Cảm ơn các nhà mạng vì đã được sống trong cảm giác thời bao cấp xếp hàng mua tem phiếu. Chụp cái chứng minh thư là được rồi, đến giờ vẫn chưa hiểu chụp cái mặt làm gì nữa?".
Ngoài cách đến văn phòng đăng ký, các nhà mạng còn cho phép khách hàng cập nhật thông tin qua ứng dụng trên smartphone nhưng thật không dễ dàng. Bạn đọc Nguyễn Mỹ chia sẻ: "Tôi cập nhật trên trang web của Viettel gần một tuần mà chả thấy nhắn lại là được hay không? Nếu quá ngày mà bị cắt thì sao nhỉ, lỗi do ai chịu đây".
|
Nhiều khách hàng đến các nhà mạng chỉ để chụp hình. |
Bạn đọc Đông Phương cũng cho biết đăng ký nhiều lần qua ứng dụng My Viettel nhưng lần nào cũng bị lỗi, không thấy nhà mạng phản hồi lại. "Nếu muốn người dân đăng ký thì cũng phải chuẩn bị hạ tầng cho tốt chứ nhà mạng chuẩn bị chưa tốt sao bắt người dân khai hết thông tin cá nhân. Không lẽ trước đây đã đăng ký thông tin giờ lại phải ra cửa hàng chờ cả tiếng đồng hồ chỉ để chụp tấm hình rồi về" – bạn đọc Đông Phương bức xúc.
Còn bạn đọc Út Mai bổ sung ảnh CMND trên mạng theo hướng dẫn của Vinaphone và cho rằng khi CMND còn hiệu lực thì ảnh vẫn còn hiệu lực nên quyết không bổ sung ảnh cá nhân gì nữa và thách thức nếu Vinaphone không đồng ý, xin mời cắt.