Loạt siêu thị, chợ ở Hà Nội bị đóng cửa
Ngày 1/8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội thông báo Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga có nhiều lao động dương tính với COVID-19. Thực phẩm Thanh Nga nhà cung cấp thịt cho nhiều hệ thống bán lẻ, trong đó có VinMart/VinMart+ tại Hà Nội.
|
Ngoài Vinmart, nhân viên F0 của Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga còn giao hàng tới nhiều địa điểm. |
Một ngày sau, đại diện VinCommerce (Công ty sở hữu VinMart/VinMart+) cho biết, có 8 siêu thị VinMart và 15 cửa hàng VinMart+ đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc rà soát các F liên quan F0 và tạm thời đóng cửa các siêu thị này.
Cũng theo đơn vị này, các cửa hàng/siêu thị sẽ chỉ được mở cửa trở lại khi đảm bảo không gian mua sắm an toàn và được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Trước đó ngày 31/7, siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) cũng thông báo dừng hoạt động để điều tra dịch tễ, khử khuẩn do liên quan ca F0.
|
Chợ đầu mối phía Nam đóng cửa từ 28/7 cho đến khi có quyết định mới. |
Sau khi có thông tin nhiều siêu thị lớn, nhỏ tại Hà Nội tạm đóng cửa vì dịch COVID-19, thì loạt chợ dân sinh lớn trên địa bàn thành phố cũng bị phong tỏa do dịch COVID-19 như: Chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), chợ Minh Khai (Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối Long Biên (Ba Đình), chợ đầu mối phía Nam.
Nhiều người dân Thủ đô hiện đang bày tỏ sự lo lắng về vấn đề đảm bảo lương thực thực phẩm khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Các siêu thị gỡ rối thế nào?
Đại diện truyền thông Vincomerce chia sẻ trên Báo Lao Động rằng, trong thời gian các siêu thị, cửa hàng nêu trên tạm dừng hoạt động, gần 1.000 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ còn lại tại Hà Nội sẽ tăng công suất phục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Cùng với đó, hệ thống bán lẻ này đẩy mạnh dịch vụ "đi chợ hộ" thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như: VinID, Lazada... hay đặt hàng online trên website. Khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
|
Hàng hoá tại siêu thị Big C (Hà Nội) dồi dào. (Ảnh: Người Lao Động). |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho báo chí biết, siêu thị tạm thời không mở cửa bán hàng trực tiếp, nhưng vẫn bán hàng online.
Ngoài tăng nhân viên phục vụ kênh mua sắm qua điện thoại, siêu thị cũng tiếp nhận đơn hàng qua viber/zalo. Người dân chỉ cần liên hệ với siêu thị thông qua các kênh trên, hàng sẽ giao về tận nhà. Hiện, siêu thị có 3 xe tải đã được cung cấp “luồng xanh”, đảm bảo giao hàng khắp nội thành Hà Nội.
Để hỗ trợ người dân mua sắm trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hệ thống siêu thị BigC và Go! cũng triển khai hàng loạt hình thức bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; qua điện thoại; Zalo shop, hỗ trợ giao hàng miễn phí trong phạm vi 10km cho đơn hàng từ 200.000 nghìn đồng.
Theo đại diện hệ thống siêu thị Big C, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại khu vực Hà Nội, nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị Big C tăng cường nguồn cung hàng hóa. Với thực phẩm tươi sống, dự trữ đảm bảo cung cấp đủ, với kế hoạch tăng gần 100% để đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Với thực phẩm khô tăng 30% so với ngày thường.
Hệ thống siêu thị Aeon tại Hà Nội cũng tăng 200-400% lượng hàng thực phẩm tươi sống, 120-130% hàng thực phẩm khô.
Tương tự, tại các siêu thị của Lotte Mart, bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu đầy đủ, giá tốt, nhân viên và đội ngũ vận chuyển của siêu thị luôn làm việc hết tốc lực nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời tới người dân.
Theo Sở Công thương Hà Nội, hiện nay, thành phố có 459 chợ, 28 Trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Thành phố cũng bố trí 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.