Siết chặt dịch vụ tắm lá thuốc người Dao ở Sa Pa

Google News

Tắm lá thuốc người Dao được coi là một sản phẩm du lịch của Sa Pa, tuy nhiên khi dịch vụ mọc lên nhiều, người ta lại lo ngại.

Tắm lá thuốc người Dao đã trở thành một nghề kinh doanh dịch vụ đắt khách ở Sa Pa (Lào Cai). Đây là bài thuốc quý gồm hơn hai mươi loại thuốc lá trên vùng núi cao của người Dao, có tác dụng giảm đau xương khớp, đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh.
Đây cũng được coi là một sản phẩm du lịch của Sa Pa, tuy nhiên khi dịch vụ mọc lên nhiều, người ta lại lo ngại bài thuốc không còn là nguyên bản của người Dao nữa khi lá thuốc dần cạn kiệt trước sự săn hái của con người và được thay thế bởi nhiều loại lá cây khác.
Ồ ạt dịch vụ tắm lá thuốc
Tả Phìn là xã mọc lên nhiều dịch vụ tắm lá thuốc người Dao nhất của huyện Sa Pa. Quanh xã có nhiều biển hiệu treo “tắm lá thuốc người Dao” với những ngôi nhà và phòng tắm dịch vụ khang trang. Những năm gần đây, khách du lịch đến Sa Pa đều thích dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ. Dù cách thị trấn hơn 10km, nhưng nhiều du khách vẫn thuê xe chạy tới Tả Phìn để được ngâm mình trong lá thuốc.
Siet chat dich vu tam la thuoc nguoi Dao o Sa Pa
Cơ sở tắm lá thuốc người Dao của anh Lý Láo Lở. 
Anh Lý Láo Lở, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa ở thôn Tả Chải cho biết: “Bài thuốc này là gia truyền của người Dao chúng tôi. Ông bà tôi truyền lại cho cha mẹ và giờ là đến tôi. Bài thuốc có hơn 20 loại thuốc quý, có những loại sống ở trên núi cao”.
Theo anh Lở thì để phát triển bài thuốc dân gian, anh đã xin Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cấp phép thành lập doanh nghiệp. Tháng 1-2007 triển khai dịch vụ tắm lá thuốc người Dao và được khách du lịch rất ưa thích. Bài thuốc có 3 loại: một loại tắm cho phụ nữ sau sinh nhằm tăng cường phục hồi sức khỏe, tránh hậu sản; hai loại còn lại là tắm khỏe cho phụ nữ và nam giới, có tác dụng giảm đau lưng, đau đầu, giảm bệnh xương khớp.
Theo anh Lở thì lá thuốc sau khi lấy trên rừng về đem rửa sạch, phơi khô và cho vào đun từ 1 đến 1,5 tiếng. Sau đó, nước thuốc đổ vào trong các bồn gỗ pha với nước để có độ ấm vừa phải. Khách ngâm mình trong bồn tắm từ 15-20 phút vì tắm lâu sẽ bị say. Khi đun sôi, hương thuốc thơm ngào ngạt, tắm xong tạo cảm giác sảng khoái, nhẹ nhõm.
“Từ nhỏ người Dao chúng tôi thường tắm nước lá này, trước kia chỉ hái lá về tắm trong gia đình. Khoảng mười năm trở lại đây thì mới kinh doanh” - anh Lở vui vẻ cho biết.
Theo anh Lở thì ban đầu khi mở dịch vụ tắm lá thuốc đã thu hút rất đông khách du lịch, ngoài tắm trực tiếp khách còn mua thuốc về. Từ một phòng tắm đến nay anh đã mở 5 phòng với 15 người tắm cùng một lúc.
Xã Tả Phìn có khoảng 40 hộ gia đình mở dịch vụ tắm lá thuốc cho khách du lịch. Phòng tắm còn mọc lên ồ ạt ở thị trấn Sa Pa với nhiều tấm biển quảng cáo “tắm lá thuốc người Dao”.
Theo người dân bản địa ở Sa Pa thì bài thuốc tắm người Dao dần đã bị thương mại hóa. Do khách đông, nhu cầu nhiều, lá thuốc cạn kiệt nên có sự trà trộn một số lá cây hoặc vị thuốc khác, dẫn tới có một số nơi bài thuốc đã không còn nguyên bản những vị thuốc bí truyền trước kia.
Để bài thuốc không bị thương mại hóa
Tắm lá thuốc là một bài thuốc quý của người Dao cần phát triển và gìn giữ. Trước sự phát triển ồ ạt của các cơ sở tắm lá thuốc người Dao, du khách không khỏi lo lắng về sự trà trộn cũng như thiếu chuẩn xác của lá thuốc bí truyền.
Theo chân một người dân ở Sa Pa, chúng tôi tìm đến xã Bản Khoang để tìm hiểu về bài thuốc bí truyền của người Dao đang được ưa chuộng hiện nay.
Ông Chảo Phù Thông năm nay 71 tuổi, đã có hơn 30 năm làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho biết: “Người Dao nào cũng biết bài thuốc tắm này, nó gồm 23 loại, trong đó có loại rất quý ở rừng sâu, tôi phải mất vài tiếng mới leo đến nơi hái được”. Tuy đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Thông vẫn lên rừng hái lá thuốc nếu có người đặt. Ông không làm dịch vụ tắm vì ở đây không có khách du lịch.
Theo ông thì bài tắm lá thuốc của người Dao đúng là có tác dụng rất lớn cho phụ nữ sau sinh như làm đẹp da, máu huyết lưu thông, khỏe mạnh. Ngoài ra còn có tác dụng chữa bệnh đau đầu, đau lưng, mỏi cơ, xương khớp, cảm cúm.
“Có 2 loại thuốc mà chỉ ở Bản Khoang mới có, mấy hộ kinh doanh ở Tả Phìn thường lên lấy của tôi với giá 200.000đ/tạ”, ông Thông kể.
Bản Khoang cách thị trấn Sa Pa gần 20km, phương thuốc bí truyền tắm lá thuốc người Dao ít được biết đến do đây không phải địa điểm du lịch. Khách đến với ông Thông từ nhiều tỉnh nhưng chủ yếu là đến chữa bệnh. Ông căn cứ vào bệnh trạng của từng người thì cho khách tắm loại thuốc nào.
“Chỉ bệnh nặng tôi mới lấy tiền, một nồi tắm có giá 300.000đ. Có người thì phải tắm lá thuốc, có người phải uống” – ông Thông kể.
Đi cả Bản Khoang chúng tôi chỉ thấy duy nhất một cơ sở có treo biển “tắm lá thuốc người Dao” nằm ở thôn Can Hồ B.
Chủ cơ sở - anh Chảo Láo Sử cho biết: “Ở đây không có khách du lịch, mà chỉ có khách quen đến tắm thôi. Khách thường điện trước “mai cho chị một nồi tắm nhé” thì mẹ em mới lên rừng hái lá. Lá thuốc tắm ở đây thì yên tâm, hoàn toàn đầy đủ các loại thuốc gia truyền của người Dao, không có pha trộn”.
Theo ông Chảo Phù Thông thì lá thuốc ngày càng cạn kiệt do nạn chặt phá rừng, nhiều người không biết công dụng đi lấy củi đã chặt vứt đi. Vì mục đích thương mại hóa, “cung không đủ cầu” đã dẫn tới bài thuốc bị pha trộn không còn nguyên bản.
Thiết nghĩ, việc quản lý các cơ sở kinh doanh tắm lá thuốc người Dao cần phải siết chặt hơn để nó trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa và đúng với công dụng như quảng cáo.
Theo CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)