Suýt lao xuống vực
Nghĩ đến khoảng thời gian vật lộn với con đường uốn lượn như mình rắn, dài hơn trăm cây số để chở 3 cành đào rừng từ xã Xá Nhè (Tủa Chùa – Điện Biên) về xã Chiềng Pha (Thuận Châu – Sơn La) để bán Tết, anh Lường Văn Tiếp, bản Muông (Chiềng Pha) vẫn chưa hết sợ hãi.
|
Không chỉ chở những gốc đào, cành đào cồng kềnh mà một số dân buôn còn chở thêm cả người gây nguy cơ mất an toàn giao thông bất cứ lúc nào khi tham gia lưu thông. |
Trò chuyện với chúng tôi về những gian nan trong hành trình tìm kiếm đào rừng cổ thụ, anh Tiếp cho biết: "6 năm theo nghề buôn đào bán Tết, chưa năm nào anh em tôi lại vất vả như năm nay. Muốn tìm được đào có thế đẹp, chỉ còn cách vào các bản Mông ở vùng sâu, vùng xa. Mà mấy năm trở lại đây số lượng đào đẹp ở Thuận Châu ngày càng ít. Bởi vậy, để tìm được những gốc đào, cành đào ưng ý, điểm đến lần này của anh em tôi là các xã vùng cao ở huyện Tủa Chùa – một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên".
“Do đường sương mù, trơn trượt nên phải mất gần nửa ngày chúng tôi mới đặt chân đến Xá Nhè. Mất một ngày, một đêm ở trên bản Mông, anh em tôi mới tìm mua được những gốc đào ưng cái bụng. Có được đào rồi, nghĩ đến con đường quay lại mà tôi thực sự thấy ngao ngán. Nhưng biết làm sao, vì kế sinh nhai nên phải cố thôi!” – anh Tiếp tâm sự.
Theo anh Tiếp, đằng sau những gốc đào, cành đào cổ thụ có thế đẹp, độc lạ có giá trị lên đến cả chục triệu đồng phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. “Trên cung đường vận chuyển, chân, tay bầm tím, xước xát, trẹo, gai đâm chảy máu xảy ra như cơm bữa. Nhiều đoạn đường hẹp sạt lở do lũ, buổi tối trời mù sương, tầm nhìn chưa đến một mét, xe chở nặng, tôi suýt lao xuống vực mấy lần nhưng nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nên tôi mới thoát được” – anh Tiếp chia sẻ.
Mất tiền, mất Tết
Tại tuyến tỉnh lộ 108 đi các xã vùng cao của huyện Thuận Châu – một trong những tuyến đường đèo quanh co, hiểm trở, quanh năm phủ kín biển mây trắng xóa, trung bình cứ khoảng 5 – 10 phút lại có 2 – 3 chiếc xe máy nối đuôi nhau chở những gốc đào cồng kềnh xuôi xuống thị trấn để bán. Những chiếc xe chở đào này không chỉ gây nguy hiểm cho người điều khiển mà còn chiếm nửa lòng đường rất xảy dễ va quệt với các phương tiện tham gia giao thông khác.
|
Để chở được nhưng gốc đào cổ thụ tán rộng ở các bản vùng cao xuống thị trấn bán đòi hỏi phải có sức khỏe, kinh nghiệm. |
Anh Lò Văn Hùng - một tiểu thương ở huyện Thuận Châu, cho biết: Lên các bản Mông vùng cao tìm được những gốc đào già có giá trị đã khó nhưng việc vận chuyển về xuôi để bán còn khó gấp bội. Mùa đông này, sương mù, mưa phùn phủ kín các ngả đường lên bản, tầm nhìn bị hạn chế, đường trơn trượt, nhiệt độ thấp nên đòi hỏi người săn đào phải có sức khỏe, kinh nghiệm mới đem được những gốc đào nguyên vẹn về bán.
“Còn nhớ, khi mới bắt đầu tập tành nghề buôn đào bán Tết này, tôi lên bản Cắn Tỷ, xã Long Hẹ mua được một gốc đào rừng cổ thụ thế rất đẹp với giá 5 triệu đồng. Phải ăn rừng, ngủ rừng 2 ngày trời đánh gốc mới di chuyển được ra ngoài đường cái. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, trong quá trình vận chuyển làm va quệt khiến nụ hoa bị xước và rụng sạch. Đào đang có giá 5 triệu, chở về đến thị trấn, tôi làm lán nhỏ ven đường Quốc lộ 6 trông 2 đêm 3 ngày trong cái lạnh cắt da thịt nhưng chẳng có lái buôn nào để ý tới, hỏi ra mới biết gốc đào của tôi giờ cho không cũng chẳng ai lấy. Tôi đành chặt nó ra từng khúc để làm củi. Năm đó, mất không 5 triệu săn đào rừng nên nhà tôi cũng mất Tết luôn” – anh Hùng nhớ lại.
Biết việc săn đào rừng là cách gián tiếp hủy hoại môi trường sinh thái, tận diệt đặc sản ở địa phương nhưng cả anh Tiếp, anh Hùng đều "nhắm mắt" làm ngơ vì lợi nhuận hấp dẫn. Tiếp phân bua: "Cả năm chỉ trông chờ vào dịp Tết, nếu không làm thì không có ăn, nên dù nguy hiểm vẫn cố làm".
Phía sau những đồng tiền thu được từ những gốc đào, cành đào rừng cổ thụ có thế đẹp, dáng độc lạ với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng để có một cái Tết đầm ấm là cả nỗi nhọc nhằn của những dân buôn, còn những gốc đào đặc trưng của mùa xuân Tây Bắc đang từng ngày rỉ máu.