Đại diện Samsung Electronic Việt Nam đã khẳng định thông tin này trên Tuổi trẻ khi có nhiều thông tin cho rằng Samsung rời Bắc Ninh sang Thái Nguyên để tránh hết thời hạn ưu đãi thuế ở Bắc Ninh.
Tuy nhiên Samsung cũng thừa nhận doanh thu của nhà máy Samsung Bắc Ninh giảm trong quý 1/2015.
Nguyên nhân được lý giải là do Samsung Bắc Ninh đang giai đoạn đầu tư, lắp ráp số lượng lớn máy móc để sản xuất dòng điện thoại cao cấp S6 và S6 Edge có khung kim loại.
“Vì vậy, dù con số của quý 1 có hơi đặc biệt, nhưng đến cuối năm, doanh số của nhà máy Samsung Bắc Ninh sẽ vẫn ở mức tương đương hoặc chỉ giảm không đáng kể so với năm 2014”, Samsung tuyên bố.
|
Sản xuất tại nhà máy Samsung Bắc Ninh |
Trước đó báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, sự biến động trong sản xuất của các dự án lớn làm ảnh hưởng khá lớn tới tình hình sản xuất chung của toàn tỉnh, qua đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Cụ thể theo UBND tỉnh Bắc Ninh, năm 2014 tổ hợp Samsung giảm kế hoạch sản xuất so với dự kiến, làm giảm giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh năm 2014 so với năm 2013.
"Việc Công ty Samsung thay đổi cơ cấu đầu tư nhà máy sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên đã làm sụt giảm giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014, 2015 của tỉnh Bắc Ninh" - UBND tỉnh Bắc Ninh lý giải.
“Đây là lần đầu tiên sản xuất công nghiệp của tỉnh có xu hướng giảm” – Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Chính thông tin này làm dấy lên tin đồn Samsung sẽ rời Bắc Ninh. Sự việc làm dư luận nhớ tới những đồn đoán Toyota muốn rời Việt Nam khi không nhận được ưu đãi.
Cụ thể Toyota từng đệ trình lên Chính phủ Việt Nam một loạt gói hỗ trợ để hãng này có thể duy trì sản xuất tại Việt Nam sau năm 2018.
Hãng đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD từ giá bán của nhà sản xuất hiện nay sang tính theo giá xuất xưởng. Toyota cho rằng, Thái Lan và Indonesia đều đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách này, và đây mới là cách tính thuế công bằng.
Đồng thời hãng yêu cầu Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018.
Nhiều lời đề nghị khác cũng được đưa ra và Toyota còn dự tính hai kịch bản sẽ diễn ra trong trường hợp Chính phủ Việt Nam có tiếp tục hỗ trợ hay không.
Cụ thể, nếu Chính phủ Việt Nam phê duyệt các đề xuất trên, Toyota Việt Nam sẽ nỗ lực từng bước tăng cường nội địa hoá để cắt giảm chi phí, tiến tới loại bỏ hoàn toàn một nửa chênh lệch chi phí còn lại.
Tỷ lệ nội địa hoá vào năm 2020-2025 sẽ cao hơn con số 20-37% hiện nay. Hãng đang có 5 mẫu xe, sau này sẽ có thêm 2-3 mẫu xe mới và đổi mới khoảng 10-15 mẫu xe. Sản lượng xe đang từ 40.000 xe sẽ được nâng lên 50.000 xe.
Cùng đó, Toyota hứa hẹn sẽ cân nhắc đầu tư thêm nhà máy mới với công suất lên tới 100.000 xe/năm sau năm 2025.
Ngược lại, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam sau năm 2018 như trên, hãng rất khó duy trì sản xuất xe tại Việt Nam do đối thủ nhập khẩu các mẫu xe với giá rẻ hơn xe sản xuất trong nước.