Sâm Ngọc Linh tiền tỷ: Tưởng vớ bở hóa ra vớ phải sâm Trung Quốc

Google News

Bỏ tiền tỷ để mua sâm Ngọc Linh, nhiều đại gia lắm tiền nhiều của nghĩ đã mua được củ sâm quý hiếm mà không ngờ mình đã bị "đánh lận con đen".

Mấy năm gần đây, cứ đều đặn, vài tháng, lại xuất hiện một củ “sâm Ngọc Linh” khổng lồ được phát hiện trên núi Ngọc Linh. Chưa kể, do sự quý hiếm và công dụng của loài sâm này nên giá của sâm Ngọc Linh bị đẩy lên cao chót vót cả trăm triệu đồng/1kg. Điều đáng nói là vấn nạn đầu nậu hoành hành, lừa đảo bán sâm Ngọc Linh giả ngay chân núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) - “thánh địa sâm Ngọc Linh” đang trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết.
Với chiêu trò ma mãnh, nhiều đầu nậu “hóa thân” thành người dân tộc thiểu số, trang phục rách rưới, lưng mang gùi chứa sâm Ngọc Linh giả, rao bán với giá hàng chục triệu đồng/kg khiến không ít người cả tin sập bẫy
Sâm Ngọc Linh giả được đổ ra sàn như đống khoai. 
Ông Nguyễn Văn Huỳnh ở đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, Bình Định, chia sẻ trên Tiền Phong, sau khi mua 15 triệu đồng tiền sâm Ngọc Linh được một người giới thiệu là vận chuyển từ Kon Tum xuống, ông đã chế biến theo đúng hướng dẫn cho anh trai ruột của mình uống kèm với ngậm thỏi nhỏ nhưng bệnh càng ngày càng nặng thêm.
Ngày 22/3/2015, bỗng nhiên bệnh nhân lên cơn sốc nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, các bác sỹ cho biết bệnh nhân đã uống phải củ cây Đan Thạch (một loại cây dại trong rừng, củ hao hao giống như củ sâm hoặc củ tam thất). Tới lúc này ông Huỳnh mới tá hỏa biết mình đã mua phải sâm Ngọc Linh giả, may chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng nào.
Tương tự ông Huỳnh, chị Phạm Thị Hải (quận 3, TP. HCM) bức xúc: “Thật không ngờ, tôi bị một cú lừa hoàn hảo đến như thế. Bỏ ra một số tiền lớn mua phải mấy cây sâm vớ vẩn, may còn phát hiện kịp thời nên chưa sử dụng, nếu không không biết hậu quả ra sao."
Gần Tết Mậu Tuất vừa qua, cộng động mạng xã hội lại dậy sóng với củ sâm Ngọc Linh nặng 8 lạng, được “định giá” 600-700 triệu đồng. Chủ sở hữu còn tuyên bố sẽ cho xe chở củ sâm đến tận nhà người mua, như món quà quý dịp Tết.
Theo đó, một nhóm người đi bẫy thú tìm được nó tại cánh rừng nguyên sinh, ở nơi mà họ phải đi bộ mất 4 giờ. Cây sâm này mọc ở gốc cây dương xỉ. Rễ dương xỉ bám trùm khắp củ sâm, nên mất 3 giờ nhóm người này mới đào xong. Cân cả cây lẫn rễ, thì được 8 lạng. Thông tin trên, kèm với hình ảnh những người Xê Đăng bê cây sâm bám nguyên đất đen, rồi sau đó rửa sạch, đặt lên cân, rất thuyết phục, hấp dẫn.
Tuy nhiên, những người có chút hiểu biết về sâm tiết trúc nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng, thì nhận ra ngay đây là trò thêu dệt có tổ chức, nhằm thổi phồng giá trị của củ sâm. Theo ông Nguyễn Thanh Tuyền, chuyên gia sâm Ngọc Linh, cũng là một trong số ít người sở hữu lượng sâm khổng lồ, thì đó là một củ sâm trồng, không phải là sâm tự nhiên.
Một đại gia trồng sâm ở núi Ngọc Linh cho biết trên VTC News, củ sâm đó cũng không phải sâm có gốc gác từ núi Ngọc Linh. Những củ sâm trồng có tuổi 20-30 năm, nặng 2-3 lạng, số lượng rất ít, đếm không hết đầu ngón tay và họ đều biết rất rõ nguồn gốc xuất xứ.
Không thể tự nhiên có một củ sâm trồng khủng như thế ở núi Ngọc Linh mà không ai biết. Sâm trồng tại núi Ngọc Linh còn không phải, chứ dựng chuyện sâm hoang dã thì rất bậy bạ.
Theo một số nguồn tin, qua quan sát hình dáng, kích cỡ, sự phân nhánh rất nhiều, thân cây mập mạp, thì nhiều khả năng củ sâm này có gốc gác từ ngoài Bắc, thậm chí trồng công nghiệp từ Trung Quốc, được đưa vào Ngọc Linh trồng một thời gian, sau đó một nhóm con buôn xây dựng hình ảnh cho nó, biến nó thành sâm Ngọc Linh chính hiệu, để nâng giá trị.
Rất nhiều người đã bị các đối tượng bán sâm giả lừa đảo bởi những lời quảng cáo thổi phồng như trên. Các đối tượng này còn tung ra các chiêu giảm giá hoặc kêu do đang vào mùa thu hoạch nên giá thu mua vào rẻ nên bán ra cũng rẻ.
Để “con mồi” sập bẫy, bọn chúng còn cam kết nếu không khỏi có thể gọi điện để mang sâm đến đổi. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm, thì hầu hết những loại sâm này đều đã được “phù phép” và chúng không phải là sâm như quảng cáo.
Một đầu nậu chuyên buôn bán sâm Ngọc Linh giả, hiện đã “gác kiếm” tiết lộ: “Trên thị trường hiện nay 99,9% đều không phải sâm Ngọc Linh mà là tam thất Vũ Điệp. Đây là loại cây rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc, Vân Nam Trung Quốc và chỉ có giá khoảng 800.000 đồng/kg.
Tam thất cùng họ với sâm Ngọc Linh, về củ, hoa, lá và trong thành phần củ này cũng có một số hoạt chất giống sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, tam thất Vũ Điệp mỗi năm tăng trưởng từ 7-10 đốt, trong khi sâm Ngọc Linh chỉ tăng 1 đốt.
Khi đưa ra thị trường, đặc biệt lại xuất phát từ vùng đất Kon Tum, nơi được biết đến là “thánh địa sâm Ngọc Linh”, tam thất Vũ Điệp nghiễm nhiên trở thành sâm Ngọc Linh được bán với đủ các giá từ vài triệu đồng/kg đến vài chục triệu đồng/kg".
Theo ông Trình Đình Phúc, chuyên gia dược liệu thì củ Tam Thất, Đan Thạch cơ bản thì cũng không có nhiều độc tố, nhưng khi các đối tượng này ngâm, tẩm và có bơm thêm hương liệu nữa, dùng lâu sẽ có tác động xấu đến hệ hô hấp. Chính thế nên người tiêu dùng phải cẩn thận, không mua sâm một cách dễ dàng theo quảng cáo và những chèo kéo của các đối tượng lừa đảo không rõ địa chỉ, tung tích.
Theo HL/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)