Các siêu sao bóng đá trốn thuế là hiện tượng khá phổ biến trong thế giới thể thao, đặc biệt là tại Tây Ban Nha. Tại xứ sở đấu bò, chính quyền áp dụng mức thuế tới 43% đối với tầng lớp có thu nhập cao.
Ban đầu, mức thuế 43% chỉ dành cho người bản địa, còn công dân nước ngoài làm việc ở đây chỉ bị đánh thuế 24%. Tuy nhiên, giới chức Tây Ban Nha đã xem xét lại luật và quyết định áp dụng mức thuế 43% cho người nước ngoài.
Hàng loạt ngôi sao trốn thuế
Thậm chí, chúng ta có thể xếp hẳn một đội hình các ngôi sao từng trốn thuế mạnh đến mức đủ khả năng thâu tóm mọi danh hiệu trên thế giới, với thủ môn Iker Casillas, trung vệ Gerard Pique, tiền vệ Javier Mascherano, cặp tiền đạo Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, HLV Jose Mourinho...
Hình thức trốn thuế của Messi khá tinh vi. Anh có một tổ chức từ thiện mang chính tên mình, và CLB Barcelona có những khoản tiền chuyển vào đó, coi như “ủng hộ” những việc làm ý nghĩa của Leo cho cộng đồng.
|
Cristiano Ronaldo khi ra hầu tòa vì trốn thuế. |
Khi đó, số tiền đó sẽ mang danh nghĩa tặng chứ không phải là thu nhập của ngôi sao Argentina. Từ đó, Barca và siêu sao người Argentina đã trốn được hàng triệu euro tiền thuế. Khi ra tòa, Messi và cha là ông Jorge Mesi bị phạt 21 tháng tù treo và phải nộp phạt 3,5 triệu euro.
Ronaldo và Messi ngoài việc so kè với nhau trên sân cỏ còn song hành ở “mặt trận” thuế. Ngôi sao người Bồ Đào Nha bị cáo buộc trốn thuế với con số khổng lồ 17 triệu euro. Anh bị tòa án Tây Ban Nha tuyên bố phạt án tù treo 2 năm và đóng phạt số tiền tương tự.
Ronaldo hay nhiều cầu thủ nào dính nghi án trốn thuế bản quyền hình ảnh gần như đều có chung một mánh khóe. Họ vốn là những người có có sức ảnh hưởng trên toàn cầu, lách luật bằng cách chuyển tiền bản quyền hình ảnh vào các công ty có trụ sở đặt ở những nơi được xem là thiên đường thuế.
Đó là Ireland (12,5%) hay quần đảo Virgin (14%), nơi có mức thuế thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha.
Năm 2016, Trưởng ban thể thao Ian Herbert của báo The Independent cho rằng đã tới lúc một số điều khoản trong các hợp đồng của cầu thủ cần được minh bạch, đặc biệt tiền bản quyền hình ảnh.
Cách đây 3 năm, báo Đức Spiegel tiếp cận được một trong những nhân vật bí ẩn được coi là thuộc nhóm “đầu lĩnh” của Football Leaks, trang web vạch trần một số chi tiết mờ ám trong các hợp đồng CLB ký kết với cầu thủ. Theo đó, sứ mệnh của Football Leaks là đưa ra ánh sáng những bí mật ghê gớm của thế giới bóng đá bấy lâu nay bị che giấu.
|
Messi cũng lao đao vì chuyện thuế má. |
Đội ngũ Football Leaks có lý do riêng khi dũng cảm chống lại nhiều thế lực được cho rằng đang thao túng bóng đá và trục lợi bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Tiền bản quyền hình ảnh cầu thủ được Herbert mô tả như một thế giới âm u và cần được kiểm soát chặt chẽ. Vậy tiền bản quyền hình ảnh là gì?
Ngôi sao trốn thuế qua tiền bản quyền hình ảnh
Đó là giải pháp để bảo vệ thu nhập cầu thủ từ những hình ảnh độc quyền, đồng thời trở thành nguồn thu lợi nhuận hấp dẫn cho họ. Bởi các công ty, cá nhân muốn sử dụng hình ảnh cầu thủ đều cần xin phép và trả tiền.
Khi một CLB thanh toán tiền lương cho cầu thủ, khoảng 15% hoặc hơn trên tổng thu nhập được tính là tiền bản quyền hình ảnh. Số còn lại được thanh toán theo cơ chế tiền lương.
Cầu thủ sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao dựa trên khoản lương không bao gồm tiền bản quyền hình ảnh. Trong khi đó, tiền bản quyền hình ảnh được chuyển cho công ty quản lý hoặc đại diện của cầu thủ đó, và đặc biệt không bị áp khung thuế cao.
Chính điều này khởi nguồn cho những thủ đoạn trốn thuế. Vì vậy, câu hỏi liên quan đến tiền bản quyền hình ảnh luôn được đề cập tới hàng đầu trong tiến trình đàm phán hợp đồng giữa CLB và cầu thủ. Trong quá khứ, David Platt và Dennis Bergkamp từng bị cáo buộc đi tiên phong trong việc mượn tiền bản quyền hình ảnh làm công cụ trốn thuế.
|
HLV Jose Mourinho cũng bị xử tù treo vì trốn thuế. |
Họ chuyển 70% tiền lương qua hạng mục bản quyền hình ảnh, tiết kiệm được hàng triệu bảng do giảm bớt một khoản thuế phải đóng. Tại Anh, một người phải trả thuế thu nhập cá nhân lên tới 45% trên tổng lương. Nhưng nếu chuyển tiền vào các công ty "bình phong", mức thuế chỉ còn ở mức 20%.
Mãi sau này Cục Thuế nước Anh mới thực hiện chính sách thay đổi và siết chặt lại việc đóng thuế. Những quốc gia khác biết mánh khóe của các cầu thủ, thế nhưng lại không thể ngăn chặn hay kiểm soát hoàn toàn vì tiền bản quyền hình ảnh luôn rất mập mờ. Dù vậy, Messi, Ronaldo và một số ngôi sao khác đã phải ra tòa và bị xử tù treo.
Với trường hợp của Messi, số 10 người Argentina và gia đình liên tục phủ nhận cáo buộc thành lập công ty "ma" ở nước ngoài để trốn thuế và đòi thưa kiện. Tuy nhiên, tất cả đều biết rằng phần lớn những thu nhập của Messi đều được chuyển ra nước ngoài và bằng cách nào đó hợp pháp hóa.
Thậm chí, báo chí Tây Ban Nha từng vạch trần mánh khóe chính các CLB tự lập ra công ty "ma" để trả tiền bản quyền hình ảnh cho cầu thủ. Nhà báo Herbert cho rằng vấn đề tiền bản quyền hình ảnh cần được kiểm soát chặt chẽ.