Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, thương vụ chuyển nhượng siêu dự án Sunrise Bay (Vầng Trăng Khuyết, TP.Đà Nẵng) 5.000 tỷ đồng đã được ông Đỗ Quang Hiển ('Bầu' Hiển) đàm phán, thoả thuận với đối tác từ mấy tháng trước. Tuy nhiên, giá trị chuyển nhượng cho đến nay vẫn là một ẩn số...
Bầu Hiển là “ông chủ” của Tập đoàn T&T Group, hoạt động đa ngành trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm…với tổng tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Giàu có nhất nhì Việt Nam
Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) ông Đỗ Quang Hiển đang sở hữu 30,7 triệu cổ phần SHB, nếu tính cả người liên quan thì con số này lên tới gần 200 triệu cổ phiếu, tương đương 17,7% vốn điều lệ của Ngân hàng SHB.
Nếu quy ra giá thị trường, số cổ phiếu trên có giá trị lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Dù vậy, đây vẫn chỉ là một phần trong khối tài sản khổng lồ của bầu Hiển.
|
Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB ông Đỗ Quang Hiển. |
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi ngày 16/9/2015, ông Đỗ Quang Hiển góp tới 4.770 tỷ đồng, tương đương 96,4% vốn góp trong Công ty CP Tập đoàn T&T – nơi ông đảm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Ngoài ra, ông Hiển còn là Chủ tịch của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), CTCP Quản lý Quỹ và Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội…
Tổng tài sản của các tổ chức tài chính trên hiện lên tới gần 260.000 tỷ đồng, qua đó trở thành một trong những nhóm doanh nghiệp lớn nhất cả nước.
Từ cán bộ thành siêu tỷ phú
Xuất thân là một cán bộ khoa học, năm 1993, ông Đỗ Quang Hiển khiến nhiều người thân ngỡ ngàng khi rẽ ngang, bỏ biên chế ra lập doanh nghiệp riêng.
Doanh nghiệp của chủ tịch Đỗ Quang Hiển khi đó tập trung kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông…
Sau một thời gian, muốn làm ăn lớn hơn, vào những năm cuối thế kỷ trước, ông Hiển thành lập Công ty T&T đặt tại Hưng Yên, rồi dồn hết vốn liếng xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, động cơ xe máy quy mô lớn.
Khi tích góp đầy đủ nguồn lực, kinh nghiệm, Tập đoàn T&T ghi nhận bước chuyển mình khi đầu tư và trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng SHB năm 2007.
Sau đó, T&T cùng SHB tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).
Cũng trong năm 2007, T&T thành lập liên doanh T&T Baoercheng với tổng vốn đầu tư 6,15 triệu USD, xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành nhựa công nghiệp và dân dụng và thành lập CTCP Đầu tư Khai thác & Chế biến Khoáng sản T&T Hà Giang.
Giữa năm 2012, bầu Hiển cùng SHB lại có thêm một bước đi táo bạo khi đứng ra nhận sáp nhập ngân hàng Habubank, qua đó nhanh chóng mở rộng, biến SHB trở thành một ngân hàng có chỗ đứng trong khối các nhà băng tư nhân.
Không những thành công trong mảng tài chính – ngân hàng, T&T còn là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực bất động sản, với nhiều dự án lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2015, tập đoàn của ông “bầu” họ Đỗ còn muốn tham gia vào lĩnh vực hàng không khi đề xuất mua lại sân bay Phú Quốc – công trình trước đó được đầu tư với số vốn lên tới 3.000 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Tập đoàn T&T đã bỏ ra không dưới nửa nghìn tỷ đồng để thâu tóm thành công Cảng Quảng Ninh, chính thức bước chân vào lĩnh vực vận tải biển.
Dù là một trong những doanh nhân thành công nhất Việt Nam, sánh ngang với những tên tuổi lớn như ông Phạm Nhật Vượng, ông Dương Công Minh, ông Nguyễn Đăng Quang…; song tên tuổi của ông Đỗ Quang Hiển bắt đầu được biết đến rộng rãi khi thành lập CLB Bóng đá T&T Hà Nội và CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng, với thành tích thi đấu ấn tượng.
Cũng từ đây, người ta bắt đầu gọi ông với cái tên thân mật “bầu” Hiển.
Các doanh nghiệp của “bầu” Hiển hoạt động ra sao?
Trong nửa đầu năm 2017, Ngân hàng SHB ghi nhận thu nhập lãi 8.315 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi trước thuế theo đó tăng từ 509 tỷ đồng lên 802 tỷ đồng.
Một thành viên quan trọng khác trong nhóm doanh nghiệp của “bầu” Hiển là CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng trải qua nửa đầu năm kinh doanh khả quan, khi báo lãi trước thuế 185 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm ngoái (38 tỷ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 1.504 đồng.
Mã chứng khoán SHS hiện đang được giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội và chốt phiên 9/10 ở 18.800 đồng, tăng mạnh so với mức giá 4.000 đồng thời điểm đầu năm và là mức cao nhất kể từ năm 2010.
Trái ngược lại mảng ngân hàng và chứng khoán, các doanh nghiệp của “bầu” Hiển hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư lại hoạt động không mấy tích cực.
Dù có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 1.700 tỷ đồng, song TCTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) chỉ lãi sau thuế vỏn vẹn 6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, với doanh thu khiêm tốn 219 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2016, BSH báo lãi sau thuế 11,3 tỷ đồng, giảm tới 61% so với năm 2015.
Tại CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF), đây có thể coi là một khoản đầu tư thất bại của “bầu” Hiển. HĐQT SHF vừa qua đã ra quyết định giải thể doanh nghiệp sau nhiều năm thua lỗ, với lỗ luỹ kế tới cuối quý II/2017 là 36 tỷ đồng, ăn vào quá nửa vốn điều lệ (60 tỷ đồng). Trước đó, ông Đỗ Quang Hiển và Tập đoàn T&T đã thoái toàn bộ phần vốn tại đây.