Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 4,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết 8 tháng, xuất khẩu các mặt hàng của ngành nông nghiệp đạt 33,2 tỷ USD, giảm 9,5%.
Đáng chú ý, trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm, một số nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ USD tăng tới hai con số như: Rau quả đạt 3,4 tỷ USD (tăng 57,5%); gạo đạt 3,17 tỷ USD (tăng 36,1%); hạt điều đạt 2,3 tỷ USD (tăng 8,9%); cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 2,3%); sản phẩm chăn nuôi đạt 3,2 triệu USD (tăng 26,1%).
Lý giải về sự tăng mạnh của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết do sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc. Trong 8 tháng, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 130% so với năm ngoái. Trong đó, như mặt hàng sầu riêng, chỉ sau một năm được cấp phép xuất khẩu chính ngạch đã trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
|
Sầu riêng là mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng mạnh nhất trong năm nay.
|
Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sắp tới, mít của Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh ở thị trường Trung Quốc khi nhu cầu quốc gia này gia tăng. Đặc biệt, Trung Quốc và Mỹ vừa xem xét cho dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch. Do đó, dự báo xuất khẩu rau quả năm nay có thể cán mốc 5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi nhu cầu trên thế giới tăng mạnh, giá gạo cũng duy trì ở mức cao.
Ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 29/8 cho thấy, giá gạo Việt Nam tiếp tục ở mức cao nhất thế giới. Loại 5% tấm đạt 643 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD tấn, gạo 25% tấm đạt 628 USD/tấn.
Các thị trường truyền thống của Việt Nam như Phillippines, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và các thị trường mới đều tăng thu mua gạo. Dự báo xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam có thể đạt hơn 4 tỷ USD.
Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Bộ cũng sẽ tiếp tục đề nghị đưa các sản phẩm mới vào danh mục được phép xuất khẩu và tổ chức đoàn khảo sát chuỗi sản xuất nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang châu Âu tại một số địa phương.