Đây là một trong những nội dung được Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Siêu thị phải bán hàng ngày lễ
Theo đó, dự thảo quy định yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ. Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức ba đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày.
Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra quy định siêu thị tiêu chuẩn phải có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2; phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại...
Góp ý về dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận quy định thời gian mở cửa siêu thị như dự thảo là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của thị trường, Nhà nước không cần hoặc không nên can thiệp.
VCCI lý giải thêm, quy định này không phù hợp thực tế bởi thị trường Việt Nam không ở bối cảnh khan hiếm hàng hóa tiêu dùng đến mức bắt buộc phải duy trì các siêu thị, trung tâm thương mại tất cả ngày (nếu không nói rằng việc các siêu thị, trung tâm thương mại đóng cửa dịp lễ còn là cơ hội cho các hình thức bán lẻ truyền thống, nhỏ lẻ khác).
Ngoài ra, cần chú ý là các siêu thị, trung tâm thương mại không phải chỉ toàn bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (ví dụ nhiều siêu thị chuyên ngành điện máy…). “Không rõ dựa vào căn cứ nào để bắt buộc các siêu thị này duy trì hoạt động tất cả ngày trong năm?” - VCCI đặt vấn đề.
|
Các siêu thị chỉ được giảm giá, khuyến mãi ba đợt trong năm? Ảnh minh họa. |
Về khuyến mãi và quảng bá, VCCI cho rằng quy định giới hạn về đợt bán hàng giảm giá, các quy định ràng buộc về giảm giá là chưa hợp lý. Bởi siêu thị hay trung tâm thương mại không phải là hoạt động đặc thù để có chính sách quy định riêng về khuyến mại. Các quy định giới hạn về khuyến mãi tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.
“Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này” - VCCI nêu quan điểm.
Không thực tế, trái thị trường
Một chuyên gia kinh tế cho rằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, tạo ra sức mua trên thị trường và đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng. Bộ Công Thương đưa ra quy định giới hạn khuyến mãi, giảm giá ở các siêu thị là đi ngược với thị trường, can thiệp quá sâu vào chuyện kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược với tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Không chỉ VCCI, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng có ý kiến về dự thảo này. Đối với quy định tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng đây là quy định cứng nhắc làm giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, nhìn nhận không nên quy định diện tích “trần” cho siêu thị, vì với những siêu thị có diện tích lớn hơn quy định chuẩn sẽ rất khó phân loại. Tương tự, việc bắt buộc siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua Internet, qua bưu điện, điện thoại là không thực tế và không nhất thiết.
Bà Loan cho rằng cần phải xem xét lại quy định siêu thị phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, để đảm bảo tỉ lệ phù hợp với các cam kết quốc tế.
Ngoài ra, theo bà Loan, quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược chiều với thông lệ quốc tế.