Mỹ vô địch về lượng dự trữ vàng thỏi
Hiện, Mỹ đứng số một trong danh sách quốc gia có kho dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Lượng vàng mà chính phủ nước này đang có bằng tổng lượng vàng của Đức, Italy và Pháp (ba quốc gia tiếp theo trong danh sách) cộng lại, số liệu tính đến tháng 2 năm nay.
Cụ thể, tổng lượng vàng trong kho dự trữ của chính phủ Mỹ là 8.133,46 tấn. Kim loại vàng đang chiếm hơn 75% dự trữ ngoại hối của nước này. Ở thời kỳ đỉnh cao của hệ thống trao đổi quốc tế Bretton Woods, Mỹ được cho là nắm đến 90-95% vàng toàn thế giới sau khi đề nghị các nước dùng vàng đổi USD.
Sau nhiều thập kỷ, dù không nắm 90-95% trữ lượng vàng, Mỹ vẫn đứng số một trong danh sách.
Đức đứng vị trí thứ hai trong danh sách quốc gia trữ vàng nhiều nhất, với con số được ghi nhận là 3.352,65 tấn. Vàng đang chiếm 2/3 dự trữ ngoại hối của nước này. Chính phủ Đức đang dự trữ vàng ở Deutsche Bundesbank, thành phố Frankfurt am Main (Đức), chi nhánh Ngân hàng Dự trữ liên bang tại New York (Mỹ), Ngân hàng ở London, Anh và Banque de France ở Paris (Pháp).
Italy đứng thứ ba với tổng dự trữ vàng là hơn 2.450 tấn. Trước đó, nhiều quan chức kêu gọi bán một phần vàng dự trữ để gây quỹ khi xảy ra khủng hoảng đồng euro. Song, kế hoạch đó chưa bao giờ được nước chính phủ nước này thông qua.
|
Mỹ đứng đầu thế giới về lượng vàng dự trữ.
|
Hiện, có đến 87% lượng vàng thỏi được chính phủ Italy lưu trữ tại trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương Italy và Mỹ. Chính phủ nước này cho rằng họ phân tán vàng vì lý do lịch sử và để giảm thiểu rủi ro.
Với hơn 2.430 tấn vàng, Pháp đứng thứ 4 trong danh sách. Theo Investopedia, cựu Tổng thống Pháp Charles de Gaulle có công lớn trong việc bảo vệ kho vàng quốc gia. Những năm 1960, ông cho rằng Mỹ và hệ thống Bretton Woods là "bịp bợp", kiên quyết thực hiện chiến lược bán tháo đồng USD để đổi lấy vàng.
Năm 2018, Nga chính thức vượt Trung Quốc để vào top 5 quốc gia dự trữ vàng lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng là hơn 2.330 tấn, Hiện, việc Nga tăng cường dự trữ vàng được cho là nỗ lực nhằm đa dạng hóa ngoài các khoản đầu tư của Mỹ. Chính sách trữ vàng của Nga chủ yếu đến từ bán trái phiếu kho bạc Mỹ.
Sau khi bị Nga "chiếm chỗ", ngân hàng Trung ương Trung Quốc ráo riết trữ vàng, liên tục mua vàng suốt 17 tháng liên tiếp, kể từ tháng 11/2022. Đây cũng là lần đầu chính quyền Bắc Kinh kéo dài giai đoạn mua lâu nhất trong lịch sử.
Lượng vàng do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tích trữ lên đến hơn 72,7 triệu ounce (khoảng hơn 2.260 tấn), tăng 5 tấn so với con số 2.257 tấn hồi tháng 2. Giá trị vàng dự trữ tăng từ hơn 48,6 tỷ USD lên mức hơn 61 tỷ USD.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc luôn là quốc gia mua hàng lớn nhất của khu vực châu Á. Lượng mua ròng của quốc gia này năm 2023 là hơn 7,2 triệu ounce (gần 225 tấn). 2023 cũng là năm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua vàng nhiều nhất kể từ năm 1977.
Theo thông tin từ Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm, bao gồm cả các đơn đặt hàng không cần kê đơn, tăng 3% lên mức kỷ lục hơn 4.890 tấn vào năm 2023, tiếp tục tăng vào năm nay.
Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi các hộ gia đình và nhà đầu tư ở Trung Quốc. Theo đó, phía Trung Quốc mua nhiều vàng thỏi do áp lực nghiêm trọng từ thị trường chứng khoán và lĩnh vực bất động sản trong nước.
Không chỉ Trung Quốc, hàng loạt quốc gia đang ồ ạt tích trữ vàng. Một số nước nổi lên về việc tích cực mua vàng là ngân hàng trung ương Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan...
Trước đó, dữ liệu của Ngân hàng Mỹ cho thấy Trung Quốc, Ba Lan và Singapore dẫn đầu lượng mua vàng của ngân hàng trung ương năm 2023.
Lý do các nước ồ ạt trữ vàng
Theo Investopedia, vàng được xem là phương tiện đầu tư, trao đổi suốt hàng nghìn năm qua, trước khi con người tìm đến tiền giấy có giá trị cao và cổ phiếu để đầu tư.
Trải qua nhiều biến động, vàng hiện tại vẫn là vật trao đổi có giá trị trong thương. Vì lý do này, các quốc gia luôn trong tình trạng duy trì kho dự trữ vàng, nhằm phục vụ cho kinh tế và chính trị.
Giữa những năm 1900, hầu hết quốc gia bãi bỏ chế độ bản vị vàng (giá trị tiền tệ một quốc gia được định giá dựa trên lượng vàng nhất định) do một số hạn chế. Năm 1999, Thụy Sĩ là quốc gia cuối cùng bãi bỏ hoàn toàn chế độ này.
Song, các quốc gia vẫn đổ xô tích trữ vàng thỏi. Đây được xem là "nơi trú ẩn an toàn" trước siêu lạm phát hoặc thảm họa kinh tế, biến động chính trị.
Đối với doanh nghiệp, vàng là loại tài sản hàng hóa được sử dụng trong y học, trang sức và điện tử. Đối với nhiều nhà đầu tư, cả tổ chức và bán lẻ, vàng là hàng rào chống lại lạm phát hoặc suy thoái.
|
Biểu đồ thể hiện mức độ trữ vàng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
|
Dù chế độ bản vị vàng không còn được áp dụng, vẫn còn nhiều lý do thúc đẩy các ngân hàng trung ương đổ xô dự trữ vàng thỏi.
Trước hết, vàng được cho là cung cấp cho chính phủ các nước phương pháp nhằm hỗ trợ giá trị đồng tiền pháp định. Mặc dù chế độ bản vị vàng đã là chuyện quá khứ nhưng chính phủ nhiều quốc gia vẫn tin rằng việc nắm giữ vàng mang lại sự ổn định ở mức độ nào đó cho đồng tiền quốc gia.
Vàng hoạt động như biện pháp bảo vệ và phòng ngừa lạm phát, giúp tăng cường niềm tin vào nền kinh tế của một quốc gia.
Ngoài ra, giống như các nhà đầu tư cá nhân, chính phủ cần đa dạng hóa danh mục đầu tư. Việc nắm giữ các phương tiện đầu tư khác nhau sẽ giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn.
Tựu trung lại, ngân hàng trung ương, nhà đầu tư và người tiêu dùng trang sức có nhu cầu rất cao về vàng trong bối cảnh hiện tại. Bắt đầu từ năm 2022, khi kinh tế và chính trị thế giới biến động mạnh, các ngân hàng trung ương nhanh chóng mua vàng, giống như cách nhiều quốc đã làm vào năm 1967.
Ngày nay, số liệu khoảng 1/5 số vàng trên thế giới được các ngân hàng trung ương khai thác cho thấy chính phủ các nước cần phải kiểm soát vàng, xem đó là nơi trú ẩn an toàn, cách đối phó nếu hệ thống tài chính quốc tế gặp sự cố trên diện rộng.