Hãy quên đi những chiếc đồng hồ Rolex hay những chiếc túi Louis Vuitton sáng bóng, người giàu ngày nay đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và sức khỏe. Điều này cho thấy "sự giàu có kín đáo" mới là "đẳng cấp" của giới siêu giàu.
|
Giới nhà giàu có xu hướng ít khoe khoang tiền bạc hay hàng hiệu xa xỉ. (Ảnh minh họa: Alan Crowhurst/Getty Images) |
Trước đây, sự giàu có thường gắn liền với kim cương, siêu xe Lamborghini hào nhoáng hay những chiếc đồng hồ Rolex đắt giá. Ngày nay, những người giàu đang tỏ ra kín đáo hơn về tiền bạc của mình. Thói quen chi tiêu xa xỉ không còn là cách để họ thể hiện sự giàu có. Thay vào đó, giới siêu giàu đầu tư vào giáo dục và y tế, giúp họ nâng cao địa vị xã hội và tiếp cận với những thứ mà tầng lớp trung lưu không thể làm được.
Sở hữu một chiếc túi xách hiệu Louis Vuitton, một chiếc Bugatti trị giá hàng triệu USD hoặc đồng hồ Rolex sáng loáng từng là những dấu hiệu khẳng định địa vị cao quý. Tuy nhiên, những kiểu hào nhoáng như vậy đang dần trở nên ít phổ biến hơn ở nhóm người có giá trị tài sản ròng cực cao. Họ chi tiêu rất nhiều vào vấn đề an ninh và quyền riêng tư, mua các ngôi nhà trên đỉnh đồi làm nơi sinh sống và tránh xa khỏi định vị của Google.
|
Những thứ hào nhoáng bên ngoài như một chiếc túi xách hay ví hàng hiệu không còn là "mốt" thời thượng của giới siêu giàu. (Ảnh minh họa: Anke Grelik/Getty Images) |
Trong thời đại mà cả tầng lớp thượng lưu và tầng lớp trung lưu đều có thể sở hữu những món đồ hàng hiệu xa xỉ, giới siêu giàu đang dần từ bỏ những hàng hóa vật chất để đầu tư vào phi vật chất để khẳng định địa vị cao sang của họ. Trong cuốn sách "The Sum of Small Things: A Theory of an Aspirational Class" (tạm dịch là: "Tổng của những điều nhỏ nhặt: Lý thuyết về một tầng lớp khát vọng"), tác giả Elizabeth Currid-Halkett đã đề cập đến khái niệm "tiêu dùng kín đáo".
Khái niệm mới này trái ngược với "tiêu dùng phô trương" từng được tác giả Thorstein Veblen viết trong cuốn "The Theory of the Leisure Class" (tạm dịch là "Lý thuyết về tầng lớp giải trí") - cuốn sách đề cập đến khái niệm sử dụng sản phẩm vật chất nhằm thể hiện địa vị xã hội của tầng lớp ưu tú.
Về cơ bản, khoe của không còn là phương thức chứng minh sự giàu có. Đặc biệt ở Mỹ, tầng lớp 1% giàu có nhất đã chi tiêu ít hơn vào hàng hóa vật chất kể từ năm 2007, theo dữ liệu từ Khảo sát chi tiêu tiêu dùng của Mỹ.
Elizabeth Currid-Halkett cho rằng, tầng lớp ưu tú thế hệ mới chứng minh "đẳng cấp" của mình qua việc tôn vinh tri thức và xây dựng vốn văn hóa thay vì những thói quen chi tiêu xa xỉ. Tránh xa chủ nghĩa duy vật công khai, người giàu đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và sức khỏe - tất cả đều thuộc phạm trù phi vật chất, nhưng đắt giá hơn rất nhiều lần so với các sản phẩm vật chất mà giới trung lưu có thể mua.
Đầu tư vào "bộ não"
|
Đầu tư mạnh tay vào tri thức là một phương thức mới để thể hiện sự giàu có. (Ảnh minh họa: Maddie Meyer/Getty Images) |
Giới thượng lưu coi trọng việc "tiêu dùng kín đáo" bởi đó là dấu hiệu nhận biết về vốn văn hóa và phong thái của họ. Điều này tạo ưu thế theo cách mà sự phô trương sự xa xỉ thông thường không thể làm được.
Việc phô diễn kiến thức, ví dụ thông qua việc thảo luận về các bài báo chuyên sâu, thể hiện vốn văn hóa của mỗi người, từ đó xây dựng các bậc thang trong nấc thang xã hội và tạo lập các mối quan hệ.
Dữ liệu khảo sát cho thấy, nhóm 1% giàu nhất đã đóng góp nhiều hơn 860% so với mức trung bình chi tiêu quốc gia vào mảng giáo dục. Bố mẹ giàu có sẵn sàng chi mạnh tay để con cái họ được học ở các trường chất lượng cao, thuê gia sư luyện thi, và trả học phí cao ngất ngưởng tại các trường danh tiếng.
Các gia đình giàu có đang chi hàng triệu USD để sống gần các trường tiểu học và trung học công lập tốt nhất. Thậm chí có người trả tới 60.000 USD cho chuyến tham quan trường đại học bằng máy bay phản lực tư nhân...
Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cũng thể hiện "đẳng cấp"
|
Sự giàu có thầm lặng thể hiện qua cách tiêu tiền cho việc rèn luyện sức khỏe, chẳng hạn như thẻ tập đắt giá tại phòng tập gym đỉnh cao như Equinox. (Ảnh minh họa: Equinox Facebook) |
Theo báo cáo của Vogue năm 2015, sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành một biểu tượng cho địa vị cao cấp. Chuyên gia tài chính Simon Kuper cho rằng: Giới tinh hoa đầu tư tương đối ít vào các sản phẩm làm đẹp, nhưng lại rất chú trọng vào tập luyện thể dục vì vận động sẽ khiến cơ thể họ trông tự nhiên hơn. Hình thể thon thả, săn chắc thể hiện thế giới quan của tầng lớp này.
Có "đại gia" ở New York từng trả 900 USD một tháng để trở thành thành viên của một trung tâm thể hình danh tiếng tại Manhattan. Đây có thể được coi như sự khoe khoang về lối sống duy nhất được chấp nhận trong xã hội tân tiến. Bạn sẽ thật lố bịch nếu khoe mẽ về chiếc xe xa xỉ hoặc về việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng khoe rằng bạn luyện tập như thế nào thì lại được đánh giá cao./.