Quấy rối, phân biệt giới tính và thỏa thuận 'bịt miệng' nơi công sở

Google News

Theo Bloomberg, mỗi năm, hàng trăm nhân viên bị phân biệt giới tính, lăng mạ và quấy rối tình dục đã đệ đơn đến các tòa án Anh nhưng chỉ nhận lại tiền và bản thỏa thuận "im lặng".

“Bạn đã thấy ai từng bị kiện, và bao nhiêu trong số những vụ kiện đó biến mất trước khi các cáo buộc này bị phơi bày trước tòa án?”, Bloomberg đặt ra câu hỏi.
Dữ liệu của hãng tin chỉ ra trong vòng 2 năm rưỡi qua, 2.195 trên tổng số 3.585 vụ kiện liên quan đến vấn đề phân biệt giới tính bị rút bỏ trước khi tòa án đưa ra phán quyết.
Những ông chủ từ hiệu làm đầu, sở cảnh sát cho đến các tập đoàn đa quốc gia đều từng bị kiện vì phân biệt giới tính. Các đơn vị thuộc những ngân hàng hàng đầu như Barclays, HSBC, JPMorgan và Banco Santander cũng nằm trong danh sách.
Quay roi, phan biet gioi tinh va thoa thuan 'bit mieng' noi cong so
 Gã khổng lồ tài chính Barclays có trụ sở ở London (Anh) liên quan đến 12 vụ kiện phân biệt và lạm dụng phụ nữ. Ảnh: Reuters.
Cái tên Barclays từng xuất hiện 12 lần, 11 trong số đó rút lại đơn kiện và cá nhân thứ 12 thua kiện. Ngân hàng Royal Bank và JPMorgan có 8 lần bị kiện và 5 trường hợp rút đơn kiện. Phát ngôn viên của Santander, ngân hàng bị tòa 3 lần, cho biết họ không chấp nhận sự phân biệt đối xử và cam kết tạo ra văn hóa hòa nhập.
Những trường hợp kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số 7.000 vụ kiện liên quan đến phân biệt giới tính đã bị rút khỏi tòa án Mỹ kể từ năm 2013.
Thỏa thuận "bịt miệng"
Nhiều vụ tranh chấp kết thúc bằng các khoản bồi thường và yêu cầu “bịt miệng” trước khi được đưa ra đến tòa án. Báo cáo của một cơ quan lập pháp Anh chỉ ra rất ít trường hợp kết thúc tại tòa án.
Theo Bloomberg, chính phủ Anh được kiến nghị cân nhắc về việc yêu cầu các công ty công khai số đơn khiếu nại liên quan đến hành vi phân biệt đối xử và quấy rối tình dục đã nhận, cũng như số trường hợp đã được giải quyết. Tuy nhiên, chính phủ bác bỏ kiến nghị này.
“Hàng nghìn trường hợp này chỉ là phần nổi của tảng băng”, Jess Phillips, thành viên của Ủy ban Lập pháp nhận định.
Quay roi, phan biet gioi tinh va thoa thuan 'bit mieng' noi cong so-Hinh-2
Jess Phillips nhận định những trường hợp quấy rối phụ nữ tại công sở thực tế còn nhiều hơn con số công khai. Ảnh: The Independent. 
Lizzie Barmes, giáo sư tại Đại học Queen Mary of London, cho biết rất nhiều người phải đối mặt với vấn nạn quấy rối và phân biệt đối xử. “Trên hết, để phòng tránh ‘rủi ro uy tín’, các công ty sẽ cố giải quyết những cáo buộc trước khi nguyên đơn nộp bất cứ giấy tờ nào đến toà án”, Florence Brocklesby của Bellevue Law tiết lộ.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, 8 nạn nhân từng đệ đơn kiện tiết lộ rằng họ lo ngại sẽ mất kế sinh nhai nếu công khai. Những cáo buộc của họ bao gồm tấn công tình dục, lăng mạ, bị cho ra rìa sau khi sinh con... Điều này báo động về cơ hội thăng tiến thấp và mức lương ít ỏi của phụ nữ tại công sở ở Anh. 7 trên 8 nạn nhân tiết lộ nhận được khoản bồi thường và phải ký vào thỏa thuận không tiết lộ (NDA).
Bản án "chung thân"
Theo Bloomberg, nhiều năm sau khi rút đơn kiện, các nạn nhân nhận ra những vấn đề họ đã gặp phải không phải tất cả. Một số người dần chấp nhận sự thật là những đơn kiện của họ cũng không thay đổi tình hình tại công ty.
“Vì công ty đã trả tiền bồi thường nên người ta có thể cho rằng tôi đã thắng. Tuy nhiên, những gì chúng ta mất đi là cơ hội để mang lại lòng can đảm và cảm hứng cho những phụ nữ khác”, một nạn nhân đã rút đơn kiện chống lại một ngân hàng lớn cho biết.
Bản thân việc giải quyết trước khi đơn kiện được đưa ra tòa không phải vấn đề. Một thỏa thuận không khởi kiện có khả năng là giải pháp tốt nhất cho tất cả, bởi các trận chiến ở tòa án thường căng thẳng và tốn kém.
“Tôi không nói rằng bạn không thể giải quyết, nhưng bạn không thể dùng tiền để ‘bịt miệng’. Nếu ai đó bị ngược đãi hoặc phân biệt đối xử tại nơi làm việc, điều đó có nghĩa là họ không có quyền được bảo vệ”, Zelda Perkins, cựu trợ lý tại văn phòng Harvey Weinstein ở London, cho biết.
Quay roi, phan biet gioi tinh va thoa thuan 'bit mieng' noi cong so-Hinh-3
Zelda Perkins là cựu trợ lý của nhà sản xuất tai tiếng Harvey Weinstein. Ảnh: Daily Mail. 
Một trong những điều ngăn cản người lao động đứng lên kiện các ông chủ là nguyên đơn sẽ phải trả phí cho người sử dụng lao động. Đã có trường hợp luật sư của một công ty nộp đơn xin chi phí 42.670 USD cho quá trình này. Đây được xem là động thái “phá hoại” và gây áp lực buộc bên còn lại phải giải quyết.
Hăm dọa cũng là một cách tác động khác. Nathalie Abildgaard, cựu chuyên viên phân tích đầu tư cho IFM, từng đứng lên kiện cấp trên Frederic Michel-Verdier vì đã nhắn tin gạ tình cho cô.
Theo Nathalie, một luật sư của công ty từ công ty luật Herbert Smith Freehills đã đe dọa cô sẽ không bao giờ được làm việc trong ngành nếu tiếp tục tố cáo.
Một nạn nhân khác tiết lộ rằng cô nhận được cái nhìn khác từ đồng nghiệp kể từ khi nộp đơn kiện. “Như thể là bạn đã trở nên nhơ nhuốc”, cô đau khổ.
Perkins tiết lộ cô từng ký thỏa thuận không tiết lộ của Weinstein cách đây hơn 20 năm, khi cô 24 tuổi. “Tôi đã thực sự không nghĩ đến quyền lực của những gì tôi ký kết. Tôi thậm chí không được phép giữ bản sao của thỏa thuận. Các điều khoản trong đây rất nghiêm khắc, tôi không được nói với cơ quan thuế Mỹ về nguồn gốc số tiền được bồi thường”, Perkins cho biết.
Thỏa thuận không tiết lộ cấm nạn nhân chia sẻ với gia đình, bạn bè, nhà trị liệu hay thậm chí các luật sự. 
Năm 2017, Perkins quyết định phá vỡ thỏa thuận và vạch trần cách những người có tiền, có quyền sử dụng phương pháp này để bịt miệng các nạn nhân bị quấy rối tình dục.
Chính phủ Anh cho biết hồi tháng 7 rằng sẽ thay đổi việc này, để nạn nhân được nói chuyện với cảnh sát, bác sĩ, luật sư và nhân viên xã hội.
“Trong vòng 5 năm, nếu tôi vô tình tiết lộ điều gì với cảnh sát hoặc bất cứ ai, những người chủ cũ sẽ lấy lại số tiền”, một nạn nhân từng ký vào thỏa thuận cho biết.
Juliet Carp, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Việt Làm (Anh), nhận định các nạn nhân muốn giữ bí mật vì nỗi sợ bị dò xét, nói xấu, đặc biệt là đối với các ông chủ mới.
Phân tích của Bloomberg chỉ ra tính từ đầu năm đến tháng 3, số vụ khiếu nại phân biệt giới tính tại công sở đã tăng 69%, lên 9.336 vụ. Năm ngoái, chỉ có khoảng 3% đơn kiện phân biệt giới tính được đưa đến phán quyết cuối cùng, trong đó khoảng 2/3 nguyên đơn giành phần thắng.
Những "bức tường" luật pháp
Quy mô của các thỏa thuận giải quyết bí mật chỉ là một trong những lý do khiến phong trào #MeToo trên thế giới không bùng nổ mạnh mẽ tại Anh.
Ở Mỹ, hàng trăm người, phần lớn là đàn ông, bị sa thải, từ chức hoặc đối mặt với hậu quả nghiêm trọng sau khi hàng loạt cáo buộc nhắm vào Weinstein hồi năm 2017.
Tại Anh, luật bảo vệ quyền riêng tư và danh dự nghiêm khắc hơn, và tòa án thường ban hành các lệnh cấm nhằm hạn chế cáo buộc liên quan đến ngoại tình, hành hung và quấy rối tình giục. 
Hồi tháng 7, tờ Times sau khi đưa tin về một trong những nhân vật giàu có và quyền lực nhất ở Anh, đã bị ra lệnh không nêu tên người này với các cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục nghiêm trọng.
Tờ Telegraph cũng từng bị cấm công bố thông tin về Philip Green, tỷ phú sở hữu chuỗi thời trang Topshop, sau khi ông này sử dụng các thỏa thuận pháp lý và tiền bồi thường để che giấu cáo buộc quấy rối tình dục, bắt nạt và phân biệt chủng tộc.
Sự việc chỉ bị vạch trần sau khi Peter Hain, thành viên của Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, công khai tiết lộ. Tuy nhiên, Green phủ nhận các cáo buộc trên.
Một cuộc điều tra gần đây của Bloomberg Businessweek về tình trạng quấy rối tình dục ở thị trường bảo hiểm London Lloyd’s chỉ ra các bộ phận nhân sự ở nhiều công ty trở thành đồng lõa trong việc “bịt miệng” các nạn nhân bị lạm dụng. 
Theo Bloomberg, một số nạn nhân tiết lộ đã báo cáo việc bị quấy rối cho phòng nhân sự, nhưng chỉ nhận lại lời khuyên rằng sự nghiệp của họ sẽ ảnh hưởng nếu nộp đơn khiếu nại chính thức.
Một khi tranh chấp diễn ra, cách duy nhất để tránh bị bịt miệng là đưa vụ việc đến tòa án. Tuy nhiên, việc này rất tốn kém và mất thời gian.
“Tôi từng đồng hành cùng những người thắng kiện và đôi khi tưởng chừng như đã thất bại. Đó là một trải nghiệm cực kỳ khó khăn”, Bloomberg dẫn lời luật sư Karon Monaghan.
Trong một vụ kiện gần đây, một nạn nhân tố cáo đồng nghiệp 50 tuổi của mình đã mời cô đến nhà, dụ cô khỏa thân trong bể bơi, sử dụng nhiều từ ngữ gạ tình và động chạm vào các bộ phận nhạy cảm.
Luật sư của anh này quả quyết rằng cô đã bị ám ảnh bởi anh ta và đang nói dối.
Người phụ nữ này sau đó thua kiện, cô bật khóc trên bục đứng. Tòa án quyết định cô sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình và rất khó để biết sự thật là gì.
Theo Phương Thảo/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)