Nếu như trước đây me rừng là thứ quả quen thuộc ít giá trị đối với người dân các tỉnh miền núi vì là cây rừng mọc hoang khắp nơi, muốn ăn chỉ cần tranh thủ vài phút đi rẫy có thể hái được cả rổ thì nay me rừng trở thành thứ quà vặt đặc biệt của chị em khắp nơi.
Thậm chí quả me rừng tươi được lùng mua với giá khá đắt hoặc “lên đời” thành ô mai hay nghiền thành bột có giá từ 100-500.000 đồng/kg.
Cầm cành me chi chít quả, anh Mai Văn Thế, trú tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết, cây me rừng thường ra hoa vào tháng 3-4, hoa màu vàng, mọc hình tán ở nách lá, quả thường chín vào tháng 9 hàng năm. Người dân đi nương rẫy khát nước, chỉ cần hái vài quả me ăn rồi lấy nước suối uống sẽ hết khát.
|
Cây me rừng có lá giống hệt lá me thường thấy, quả hình cầu, mọc hoang rất nhiều trên rừng. |
Theo anh Thế, bà con đi rừng hái quả me rừng về thường để ăn chơi, trộn với muối, thêm miếng riềng rồi ngâm ăn dần cả năm hoặc nấu canh, kho cá, ngâm rượu…
Thời gian gần đây thấy nhiều người lùng mua nên bà con đi hái về mang ra chợ bán hoặc cân buôn cho các vựa với giá chỉ 20.000 đồng/kg.
“Mọi người quê tôi thường nói đây là quả “khổ trước sướng sau” bởi mới đầu ăn sẽ thấy vừa chua vừa chát lại đăng đắng nhưng sau sẽ thấy ngọt dần ở đầu lưỡi và cuống họng, rất lạ”, anh Thế nói.
Chuyên thu mua và buôn bán các loại quả rừng trên địa bàn huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), chị Chu Thị Thắng cho biết trên các vùng rừng núi Tây Nguyên me rừng nhiều vô kể.
|
Me rừng tươi mới đầu ăn có vị chua, chát và ngọt dần. |
“Gần đây nhiều người biết được công dụng của me rừng nên đặt mua thường xuyên, có đơn đặt hàng là tôi lại báo người dân đi hái, chỉ cần báo trước một ngày thì lấy cả tạ cũng có”, chị Thắng nói.
Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, quả me rừng được rao bán khắp nơi trên các chợ mạng từ quả tươi đến ô mai me rừng và bột me rừng.
Cụ thể, quả me rừng tươi được bán với giá 100.000 đồng/3kg, ô mai me rừng có giá 110.000 đồng/kg, đắt nhất là bột me rừng có giá 500.000 đồng/kg hoặc 159.000 đồng/túi 200gr.
|
Chị em mua về chế biến thành món me rừng dầm. |
Trong Đông y, quả me rừng có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát.
Theo sách “Những cây thuốc vị thuốc Việt Nam” của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, thì quả me rừng được dùng làm thuốc chữa một số bệnh dưới dạng sắc nước uống hoặc dưới dạng ô mai.
|
Ô mai me rừng đang được rao bán với giá 110-180.000 đồng/kg. |
|
Bột me rừng được rao bán với giá 159.000 đồng/ túi 200gr, tức là hơn nửa triệu đồng/kg. |
Cụ thể, dùng quả me rừng ướp muối, rồi phơi khô làm ô mai ngậm chữa ho, viêm họng, nôn mửa; Trị tiểu đường: Quả me rừng 15 - 20g, ướp với muối ăn hoặc nấu nước uống hằng ngày; Trị nước ăn chân: Lấy quả me rừng giã lấy nước bôi vào chỗ chân bị nước ăn; Chữa phù thũng: Quả me rừng 10 - 30g. Cũng có thể cho râu ngô, mã đề sắc cùng lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Y học phương tây cũng nghiên cứu thấy trong quả me rừng (trong tiếng lào gọi là Mắc Kham) có chứa số lượng lớn vitamin C tham gia vào quá trình chuyển hóa cholesterone, giúp khoảng 80% cholesterone chuyển hóa thành hợp chất tan trong nước, có thể dễ dàng bài tiết ra bằng đường nước tiểu.