Trên một cây na, có lứa quả đang thu hoạch và cả những cành nuôi quả nhỏ và đang ra hoa. Cách xử lý cho na ra 2 vụ của lão nông Mã Văn Lét ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã mang lại cho bà con xứ Lạng nguồn thu không nhỏ.
Ông Mã Văn Lét là người đầu tiên của thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng tìm ra cách xử lý cho na ra trái vụ. Suốt 4 năm qua, vườn na rộng 2ha của gia đình ông cho thu nhập đều đều 1 năm 2 vụ. Ông Lét chia sẻ, na trái vụ bán được giá hơn so với na chính vụ. Năng suất cũng không kém gì chính vụ.
|
Ông Mã Anh Lét đã thành công trong việc xử lý cho na ra trái vụ. |
Vườn na xanh mướt và sai trĩu quả của ông Lét là bao mồ hôi công sức mà ông đã đổ ra. Nhờ có vườn na mà ông nuôi được 3 người con học hành đến nơi đến chốn. Ngày nào ông cũng ở vườn na từ sáng sớm cho tới khi mặt trời lặn mới ngơi nghỉ. Người đàn ông người dân tộc Nùng chất phác, tính tình đôn hậu đã gắn bó cả đời với cây na. Ông chia sẻ, làm vườn mà không gắn bó với nó như chân với tay thì khó lòng có thu nhập.
Cách làm của ông Lét đã mang lại nguồn thu lớn cho người trồng na ở Chi Lăng. Ông Lét lấy phấn ở hoa na rồi gom chúng lại vào cái ống hút nhỏ. Sau đó, ông đi thụ phấn cho từng hoa một. "Hoa na được thụ phấn sẽ cho quả to và mẫu mã đẹp hơn. Nó không bị vẹo quả", ông Lét chia sẻ.
Việc ông xử lý cho na ra hai vụ cũng là một cái duyên rất tình cờ. Ông Lét kể, bà con ở đây ít đất sản xuất, nên những diện tích ở trong thung hay ở núi đá treo leo, người dân đều tận dụng để trồng na. Ngày trước chưa có dòng dọc, bà con toàn phải gánh na trên núi xuống chợ bán. Đôi vai của ông chai sần vì những gánh na nặng trĩu. Những ngày mưa đường đá trơn trượt, ông Lét phải dùng một tay bám vào các cành na để xuống núi.
|
Vườn na xanh mướt của ông Lét. |
Những cành na mọc bên đường do ông bám vào bị trụi hết lá. Bẵng đi một thời gian, chúng lại ra lá non. Một điều kì diệu đã xảy ra là, những cành na này ra hoa trái vụ (cuối tháng 7 và đầu tháng 8). 3 tháng sau nó cho thu hoạch quả. Sau nhiều lần quan sát và tìm hiểu, ông Lét mới nảy ra ý tưởng, thử vặt lá vườn na xem nó có ra quả trái vụ hay không. Cách làm của ông không ngờ lại mang lại hiệu quả cao. Cứ sau mỗi năm ông lại tìm ra cách xử lý na ra trái vụ đạt hiệu suất cao nhất.
|
Na trái vụ thu hoạch vào mùa đông vừa dễ bán lại được giá. Một kg na trái vụ có thể bán được 40-45.000đ, gần gấp đôi so với na chính vụ. |
Theo ông Lét, na ra trái vụ chín vào cuối tháng 10 âm lịch, chất lượng quả ăn còn ngon hơn chín vụ. Hơn nữa, na chín vào mùa đông lại rất ít bệnh, ăn ngọt sắt. Cách làm của ông Lét rất đơn giản, khoảng đầu tháng 6, những cành na không treo quả, ông bấm đi 2/3 cành và mặt hết lá.
Nhờ xử lý ra hoa trái vụ mà cây na ở Chi Lăng đã mang lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân. Hoa na được thụ phấn sẽ đậu quả tốt hơn và cho quả to và chất lượng.
Đến giữa tháng 7 các cành bị bấm này bắt đầu ra lộc và nở hoa. Ông vặt bớt một số hoa và bóc cách cánh hoa rồi lấy phấn. Ông gom phấn lại và cho vào một cái ống hút nhỏ. Ông dùng ống hút chứa đầy phấn na để thụ phấn cho các hoa khác. "Mình phải thụ phấn chủ động thế này, quả na mới to và căng tròn. Cách làm này hơi mất nhiều thời gian, nhưng bù lại tôi có một lứa na trái vụ, bán được với giá cao", ông Lét chia sẻ.