Phiên đấu giá kỳ lạ thâu tóm Sabeco của tỷ phú Thái

Google News

Chỉ có một nhà đầu tư cá nhân và một nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua cổ phiếu, khiến phiên đấu giá cổ phần Nhà nước tại Sabeco kết thúc chóng vánh đến kỳ lạ.

Chiều 18/12, Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phần Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ. Phiên đấu giá cổ phần Nhà nước tại Sabeco chiều nay, công ty của tỷ phú Thái Lan đã mua trọn số cổ phần chào bán mà không gặp sự cạnh tranh từ đối thủ là cá nhân, tổ chức nào.
Chỉ có hai lệnh mua được đưa vào hệ thống, một lệnh gom trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu, với giá 320.000 đồng/cổ phiếu và một lệnh mua 20.000 cổ phiếu, với giá 320.500 đồng/cổ phiếu. Giá đấu thành công bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu, Bộ Công Thương thu về gần 110.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư ngoại biến hóa trong hình hài nội
Trong các buổi roadshow về việc bán cổ phần của Sabeco, Bộ Công Thương cho rằng có rất nhiều nhà đầu tư ngoại có tiềm lực “xếp hàng” để được mua cổ phần Nhà nước chào bán. Các đại gia ngành bia trên thế giới và khu vực đều được xướng tên trong danh sách ứng viên.
 

Tuy nhiên, trước ngày đấu giá công khai, chỉ vỏn vẹn một nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua, là Vietnam Beverage. Điều đặc biệt, đây lại là nhà đầu tư trong nước nhưng có mối quan hệ sở hữu lắt léo, liên quan đến khối ngoại, cụ thể là ThaiBev.

Công ty TNHH Vietnam Beverage được sở hữu 100% bởi Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong đó, 49% F&B Alliance Việt Nam nằm trong tay một nhà đầu tư nước ngoài có tên Beerco Limited. Còn Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage, do tỷ phú người Thái Lan gốc Hoa, là ông Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền chi phối.

Trong phiên đấu giá lần này, Bộ Công Thương cho rằng nhà đầu tư nước ngoài sẽ sở hữu tối đa 49% cổ phần của Sabeco. Khối ngoại đang chiếm 10,41% tại Sabeco thì các nhà đầu tư nước ngoài lần này chỉ còn tối đa 38,59% được mua, và phải đặt cọc bằng ngoại tệ có bảo lãnh.

Như vậy, để mua vượt tỷ lệ này không phải là điều dễ dàng với các nhà đầu tư nước ngoài.

Việc thông qua Vietnam Beverage được xem là chiêu thức để tỷ phú Thái Lan chào mua Sabeco với tư cách một nhà đầu tư trong nước, và có thể mua tối đa số cổ phần tại Sabeco mà Bộ Công Thương chào bán (lên tới 53,59%). Bởi nếu tham gia đấu giá cổ phần Sabeco với tư cách nhà đầu tư nước ngoài, tỷ phú Than Lan chỉ được mua tối đa 38,59% cổ phần (247,47 triệu cổ phần).


Vietnam Beverageđược xem là doanh nghiệp chịu sự chi phối của tỷ phú Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi.
Nguyên nhân do lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay tại Sabeco đang là 10,41% trên tổng số 49% được quyền sở hữu theo quy định của Chính phủ về mức trần "room" với khối ngoại.
Như vậy với chiêu thức "biến hình", tỷ phú Thái Lan đã lọt qua khe cửa khống chế của Nhà nước để có nhiều hơn số cổ phần mong muốn.
Vì sao người Thái quyết mua Sabeco?
Có vốn hóa 4 tỷ USD ở Thái Lan với thương hiệu bia Chang, nhưng dư địa phát triển trên thị trường này đang ngày một thu hẹp. Việc mở rộng là bài toán sống còn, nên ThaiBev nhắm vào thị trường Việt Nam là mục tiêu rõ ràng nhất trong ngắn hạn.
Bình luận về quyết định mua cổ phần giá cao của ThaiBev, hãng tin Asia Nikkei mới đây cho rằng việc thâu tóm thị trường bia Việt Nam sẽ giúp ThaiBev mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

 Cơ cấu cổ đông tại Sabeco trước khi doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan chi hơn 100.000 tỷ đồng để nắm cổ phần chi phối.

Khu vực nước ngoài sẽ chiếm đến 50% tổng doanh thu của tập đoàn. Trong đó, Sabeco là một lựa chọn của chiến lược. Sabeco hiện chiếm giữ 40% thị phần tại thị trường Việt Nam, vốn được đánh giá nhiều tiềm năng trong khu vực.

Trong khi đó, các nhà đầu tư tài chính cho rằng nhà đầu tư rất khó chấp nhận mức giá Sabeco mang ra chào bán lần này, bởi quá cao.

“Nếu bạn kiểm soát được, bạn có thể thay đổi hoạt động phân phối, giảm giá thành. Và chỉ trong vài năm, mức giá gấp 40 lần lợi nhuận (tức P/E bằng 40) hiện tại có thể giảm xuống mức 20. Con số này rất đáng kể trong ngành bia châu Á.

Còn nếu bạn không thể làm vậy thì bạn chỉ đang trả giá quá cao mà thôi”, ông Marc Djandji, Giám đốc Môi giới khách hàng tổ chức của công ty chứng khoán Viet Dragon nói.

 Sabeco là doanh nghiệp đầu ngành bia tại Việt Nam mà Thaibev mong muốn sở hữu, để củng cố vị thế trong khu vực.

Trước khi mua lượng lớn cổ phần của Sabeco, thương vụ M&A nổi tiếng nhất của ThaiBev đến nay là mua lại Tập đoàn F&B số một Singapore, với tổng giá trị lên tới 11,2 tỷ USD vào tháng 1/2013.

Khẩu vị M&A của ThaiBev là mua lại doanh nghiệp đầu ngành tại các quốc gia trong khu vực. Thống kê để thấy những doanh nghiệp mà Thaibev chi phối đều có vị thế nhất định trên thị trường, thông qua đó dễ dàng tăng cường năng lực cạnh tranh.

Cụ thể, họ cũng đã thâu tóm thành công hai nhà sản xuất và đóng chai nhãn hiệu rượu whiskey số 1 tại Myanmar trong thương vụ mua lại 75% cổ phần, trị giá 741,6 triệu USD, thông qua công ty thành viên International Beverage Holdings.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp này đã mua thành công 16,04% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), 100% cổ phần Metro Cash & Carry Việt Nam, sở hữu 65% cổ phần Phú Thái và 65% khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Sabeco có lẽ là cái tên đầu ngành bia mà Thaibev mong muốn sở hữu nhất, để thống nhất đế chế F&B của mình trong khu vực.



Theo Bình Nguyên/Zingnews

>> xem thêm

Bình luận(0)