Đáng nói là các vụ việc phá hoại cây trồng của nông dân như vậy thường không hoặc rất lâu mới làm rõ nguyên nhân, thủ phạm.
Nhổ dưa, phá nhà kính
Một tuần sau vụ phá hoại vườn dưa lưới, chị Nguyễn Thị Thu Hường - Giám đốc Khu du lịch nông trang xanh Green Noen (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết đang khẩn trương lắp đặt lại nhà kính và làm đất chuẩn bị cho một vụ trồng dưa mới. Diện tích bị phá hoại dự kiến sẽ thu hoạch và giao cho khách hàng vào tháng 3.
“Vườn dưa có thể bị phá hoại tiếp nhưng nhiều khách hàng đang chờ đợi sản phẩm này. Khi xảy ra vụ việc, tại khu nhà kính trồng dưa có một bảo vệ trông coi nhưng diện tích quá rộng. Giờ chúng tôi phải tăng cường bảo vệ chính mình thôi” - chị Hường nói.
|
Gần 2.000 con gà chết bất thường khiến gia đình bà Đỗ Thị Ngân Tâm (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) hoang mang. Ảnh: Dũ Tuấn |
Theo lời chị Hường, đây không phải là lần đầu tiên nông trang bị
kẻ xấu phá hoại. Lần gần nhất là trước Tết Nguyên đán 2017, một số dây leo trong nông trang cũng bị nhổ bật gốc.
“Ở những “điểm nóng”, lực lượng an ninh tăng phải cường công tác tuần tra, kiểm soát; phát động mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; rà soát phân loại và quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự. Khi có vụ việc xảy ra thì khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh để răn đe”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Cho rằng sự việc chỉ mang tính phá hoại vặt nên chị chỉ trình báo cơ quan chức năng mà không yêu cầu điều tra. Nhưng sự cố dùng dao rạch nát nhà lưới, nhổ bỏ 1.500 gốc dưa vừa qua gây thiệt hại quá lớn. Mối nghi ngờ phá hoại mang tính cạnh tranh không lành mạnh ngày càng đặt nặng. Các đối tượng khả nghi được bà con trong xã thông tin nhưng không có bằng chứng cụ thể.
“Nông trang của tôi chỉ muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm xanh, không hoá chất. Như vậy có gì sai? Chúng tôi không thể hình dung mình đã làm gì khiến họ thù ghét như vậy” - chị Hường chia sẻ.
Rạng sáng ngày 12.2, các nhà kính của nông trang xanh Green Noen trồng tổng cộng 2.500 gốc thì khoảng 1.500 gốc bị nhổ. Hai nhà kính cũng bị phá, không thể hàn gắn lại. Những gốc dưa không bị nhổ cũng phải hủy bỏ do côn trùng đã xâm nhập. Chị Hương ước tính tổng thiệt hại là gần 2 tỷ đồng.
Bước đầu, Cơ quan Công an huyện Củ Chi nhận định đây là vụ phá hoại vì mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
Gà chết vì thuốc chuột?
|
Dưa lưới trong nhà kính tại Củ Chi, TP.HCM bị phá hoại. Ảnh: N.V |
Sáng 21.2, vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc đàn gà chết bất thường hàng loạt, bà Đỗ Thị Ngân Tâm (trú xóm Ân Bắc, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) rầu rĩ cho biết, gia đình bà đang ngóng chờ cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân. Gà chết la liệt, nằm ngổn ngang trong chuồng, để tránh ô nhiễm bà nhặt chất đống lên xe, đưa đi nơi khác để chôn.
Bà Tâm kể: “Từ tháng 10.2016, tôi và chị Trần Thị Qua (xóm Ân Bắc) cùng chung vốn để nuôi tất cả 4.000 con gà nhưng những trận lũ cuối năm 2016 đã gây thiệt hại lớn, chỉ còn 2.500 con. Số gà này đang đến thời điểm bán thì chết bất thường với số lượng gần 2.000 con, tổng thiệt hại trên 200 triệu đồng”.
Theo bà Tâm, ngày 14.2, gia đình bà phát hiện gói thuốc chuột trong chuồng (trong tình trạng thuốc còn nửa gói) và nghi ngờ gà mổ ăn gói thuốc rồi đến uống nước tại bình. Gà nào mổ bì thuốc trực tiếp thì chết trước, còn gà uống nước trong bình thì chết sau... Theo bà Tâm, thời gian gần đây, gia đình bà có xích mích với hàng xóm nên mong muốn cơ quan chức năng tìm hiểu, sáng tỏ vụ việc càng nhanh, càng tốt.
Ông Nguyễn Quang Tri- Trưởng Công an xã Phước Thuận cho biết: “Sau khi nhận tin báo, chúng tôi đã xuống hiện trường kiểm tra và xác định có 1 gói thuốc chuột tại chuồng gà. Vụ việc vẫn đang được Công an huyện Tuy Phước thụ lý, điều tra”.
Theo Thượng tá Lê Đức Minh - Trưởng công an huyện Tuy Phước, vẫn chưa có kết luận về khám nghiệm, giám định nguyên nhân gà chết là do dịch, do thuốc hay do thực phẩm nên chưa thể trả lời kết quả được. Ông Lê Ngọc Pháp- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Định cũng cho biết: “Lực lượng của chi cục đã xuống hiện trường để lấy mẫu kiểm tra nhưng chưa có kết luận vụ việc”.
“Đòn bẩn” phải nghiêm trị
“Cây trồng, vật nuôi chết bất thường nghi bị kẻ xấu phá hoại gây hoang mang cho người trồng trọt, chăn nuôi. Nếu có hành vi phạm tội thì người phạm tội cần phải bị nghiêm trị” - đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW).
Theo dõi báo chí phản ánh rất kỹ các vụ việc phá hoại cây trồng, vật nuôi của nông dân, luật sư Hà cho biết: Không ít vụ việc, nguyên nhân và nghi phạm chưa được làm rõ, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nên người trồng trọt, chăn nuôi vẫn hết sức hoang mang. Nguy hiểm hơn là còn làm bà con nghi kỵ lẫn nhau, gây mất trật tự an ninh xã hội, phá vỡ cuộc sống bình yên nông thôn...
“Đây là các vụ việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần sớm làm rõ. Trường hợp nào vì động cơ, mục đích xấu gây thiệt hại cho người khác thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bởi lẽ đó là “đòn bẩn”, triệt hạ nguồn sinh kế của người nông dân” - luật sư Hà bày tỏ.
Về hình thức xử lý khi phát hiện có người đã hạ độc, phá hoại cây trồng, vật nuôi, luật sư Hà cho biết: Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hình sự, theo Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009, nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài hình phạt nêu trên, người phạm tội còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Để ngăn chặn tình trạng phá hoại cây trồng, vật nuôi của nông dân, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, trước tiên, người dân phải tự bảo vệ mình: chuồng trại, trang trại… phải có tường rào, hệ thống bảo vệ chắc chắn. Phải có người trông coi, bảo vệ; các hộ trồng trọt, chăn nuôi phải liên kết với nhau tuần tra, canh gác… Khi có biểu hiện nghi vấn phải nhanh chóng, kịp thời báo cho công an, chính quyền địa phương.
Chậm làm rõ sẽ có nhiều bất lợi
"Cây trồng, vật nuôi chết bất thường cũng có nhiều nguyên nhân, có thể do ngộ độc thức ăn, dịch bệnh và cũng không loại trừ nguyên nhân do cạnh tranh không lành mạnh, ghen ăn, tức ở mà ra tay hạ độc. Bởi vậy khi có sự việc xảy ra, không chỉ có công an điều tra, xử lý mà theo tôi cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cơ quan chức năng, từ chính quyền địa phương đến các cơ quan chuyên môn để xác định rõ nguyên nhân. Để lâu không làm rõ sẽ rất bất lợi cho an ninh, ảnh hưởng đến tình làng, nghĩa xóm… Nếu có hành vi phạm tội thì phải khẩn trương truy tố, xử lý nghiêm".
Thiếu tá Nguyễn Văn Tài
(Đồn Biên phòng Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định)
Có thể nảy sinh mâu thuẫn sau vụ việc
"Có trường hợp vì mâu thuẫn cá nhân hoặc bực tức với nhau mà có kẻ độc ác bỏ thuốc sâu xuống ao nhà hàng xóm làm chết cả ao cá. Thiệt hại tiền của đã đành, mà mâu thuẫn càng hằn sâu. Nếu cơ quan công an không điều tra ra thì người nọ truyền tai người kia, đồn thổi nghi ngờ thì sự việc lại càng trở nên phức tạp. Với nông dân thì chăn nuôi, trồng trọt là nguồn sống, là kế sinh nhai, có khi bị nhà hàng xóm đánh chết con gà mà thù hằn truyền từ đời này sang đời khác. Bởi vậy chính quyền, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng này".
Thạc sĩ Trần Đức Ninh (TP.Hồ Chí Minh)
Tuyên truyền để người dân hiểu biết pháp luật
"Làm nông nghiệp khó khăn đủ đường, hết thiên tai, dịch bệnh lại bị kẻ xấu phá hại thì cực vô cùng. Nông dân chúng tôi rất đồng tình là phải xử lý nghiêm những hành vi phá hoại, triệt hạ kinh tế, nhưng cũng mong cơ quan chức năng có những hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu biết về pháp luật, những hình phạt do hành vi của mình gây ra".
Ông Nguyễn Văn Đức (xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội)