Ông Trần Lệ Nguyên sắp rời ghế nóng giữa lúc VDSC báo lỗ kỷ lục quý 1

Google News

(Kiến Thức) - CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HoSE: VDS) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về kế hoạch kinh doanh năm 2020 cũng như miễn nhiệm và đề cử thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.
 

Theo đó, Nghị quyết cũng đã thông qua kế hoạch Đại hội đồng cổ đông với tổng doanh thu đạt 313 tỷ đồng, giảm gần 9% so với năm trước; lãi sau thuế 36 tỷ đồng, tăng gần 4%.

Song song đó, Hội đồng quản trị VDSC cũng thông qua việc từ nhiệm của một số thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm sát nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Theo đó, sau phiên họp Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 28/5, ông Trần Lệ Nguyên sẽ không còn giữ chức Chủ tịch của Công ty chứng khoán này.

Các thành viên còn lại cũng được thông qua từ nhiệm trong đợt này là ông Kelly Yin Hon Wong - Thành viên Hội đồng quản trị, ông Võ Long Nguyên - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, bà Nguyễn Thị Oanh - Trường Ban Kiểm soát, ông Nguyễn Thúc Vinh - Thành viên Ban Kiểm soát.

Bên cạnh việc từ nhiệm, Hội đồng quản trị cũng đã thông qua việc đề cử bổ sung các nhân sự làm thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2021.

Ong Tran Le Nguyen sap roi ghe nong giua luc VDSC bao lo ky luc quy 1
 Danh sách nhân sự được đề cử nhiệm kỳ 2017-2021. 

Trước khi quyết định rời ghế Chủ tịch VDSC, ông Trần Lệ Nguyên đã bán ra 17 triệu cp VDS, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống còn 1,04%.

Trước đó, ông Nguyên cũng bán ra 17 triệu cổ phiếu VDS vào ngày 20/12/2019 thông qua VSD. Người nhận chuyển nhượng số cổ phần này là ông Nguyễn Miên Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị công ty. Hiện, ông Tuấn đang sở hữu 17,8 triệu cổ phần VDS, tỷ lệ 17,79%.

Trong quý 1/2020, VDSC báo lỗ kỷ lục, kết quả kém tích cực chủ yếu đến từ việc thua lỗ của hoạt động tự doanh. Cụ thể, VDSC thu lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 1 đạt 2,93 tỷ đồng, nhưng số lỗ FVTPL lên tới 105,9 tỷ đồng. Theo đó, hoạt động tự doanh của công ty lỗ ròng 103 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 1, giá trị đánh giá lại của các khoản đầu tư danh mục FVTPL ghi nhận 298 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 176 tỷ đồng so với giá trị ghi sổ.

Các khoản đầu tư khiến VDSC lỗ lớn trong quý 1 có thể kể tới như DIG (lỗ 59 tỷ đồng), BSR (lỗ 49 tỷ đồng), DXG (lỗ 11 tỷ đồng)…

Kết hợp với doanh thu môi giới và lãi cho vay, phải thu giảm nhẹ, VDSC báo lỗ hơn 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 21 tỷ đồng.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)