Trước khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là người chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng BIDV nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, ông Trần Bắc Hà được biết đến là người lãnh đạo quyền lực nhất tại nhà băng này và là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần Nhà nước nắm giữ tại BIDV. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BIDV.
Theo VTC News, ông Hà nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV từ năm 2008 nhưng tới năm 2012, bức tranh thu nhập lãnh đạo của ngân hàng này mới được hé lộ. Theo số liệu thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2012, với lợi nhuận sau thuế đạt 2.572 tỷ đồng, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát BIDV được trả 11,6 tỷ đồng. Bình quân, mỗi lãnh đạo BIDV nhận 890,3 triệu đồng/người/8 tháng, tương đương 112,3 triệu đồng/người/tháng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 4.051 tỷ đồng đã giúp BIDV có cơ hội chi 17,8 tỷ đồng cho các lãnh đạo Ngân hàng. Trung bình, mỗi người được trả 1,37 tỷ đồng/năm, tương đương 114,3 triệu đồng/tháng.
|
Ông Trần Bắc Hà. Ảnh: congdoan.vn.
|
Đại án nghìn tỷ: Ông Trần Bắc Hà khai gì? - VTC1
Sang năm 2014, lợi nhuận sau thuế của BIDV tăng nhẹ lên 4.986 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc quỹ lương dành cho dàn lãnh đạo BIDV tăng lên 21,94 tỷ đồng. Mỗi sếp BIDV được trả 1,83 tỷ đồng/năm, tương đương 152,4 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2015 là năm BIDV chứng kiến lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 6.377 tỷ đồng. Đà tăng trưởng này giúp Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát được nhận quỹ lương khủng 28,06 tỷ đồng. Trung bình, mỗi lãnh đạo nhận 2,34 tỷ đồng/năm, tương đương 194,9 triệu đồng/tháng.
Năm 2016, ngân hàng này duy trì được lợi nhuận khủng, bình quân, mỗi sếp BIDV chỉ còn được nhận 1,89 tỷ đồng/người/năm, tương đương 157,5 triệu đồng/tháng. Đây cũng là thời điểm ông Trần Bắc Hà rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị vì đến tuổi nghỉ hưu.
Như vậy, tính từ thời điểm 1/5/2012 – thời điểm hậu IPO của BIDV tới khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, dàn lãnh đạo BIDV được trả hơn 7,04 tỷ đồng. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, chắc chắn ông Hà nhận được thù lao cao hơn con số bình quân này. Trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm dàn sếp BIDV được trả khoảng 1,76 tỷ đồng/người/năm.
Cũng theo VTC News, ngoài thu nhập từ lương ở BIDV, ông Trần Bắc Hà có thêm thu nhập từ việc sở hữu cổ phiếu. Tuy nhiên, do không nắm giữ nhiều cổ phiếu BID nên cổ tức dành cho ông Hà khá khiêm tốn. Cụ thể, ông Hà sở hữu 136.643 cổ phiếu BID, theo giá giao dịch ngày 1/6/2018, thì số cổ phiếu này có giá trị 4,06 tỷ đồng.
Về cổ tức, trong 8 tháng đầu năm 2012, lượng cổ phiếu này mang về cho ông Hà 31 triệu đồng. Sang năm 2013, 2014, 2015 và 2016, ông Hà lần lượt nhận 109 triệu đồng, 139 triệu đồng, 116 triệu đồng và 96 triệu đồng.
Trong một diễn biến mới, theo Zing, sau khi nghỉ hưu, ông Hà thường xuyên sang Lào để cùng một số người thân triển khai các dự án trồng cây nông nghiệp tại đây.
Gần đây, ông nhiều lần được triệu tập đến phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng và Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng hơn 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Hà nhiều lần vắng mặt vì lý do sức khỏe và sang Singapore chữa bệnh.
Ông Hà là một trong gần 200 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ đại án này được TAND TP.HCM triệu tập lấy lời khai. Trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng Ngân hàng BIDV) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng.