|
Năm 2016, Agribank cũng đạt lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 3%. |
Ngân Hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), vừa có báo cáo về tình hình kinh doanh năm 2016.
Theo đó, kết thúc năm 2016, VietinBank ghi nhận mức lợi nhuận 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, vượt 4% kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra. Với kết quả này, Vietinbank đang là ngân hàng báo lãi tiền tỷ dẫn đầu toàn hệ thống về lợi nhuận. Ngoài ra, tính đến 31.12.2016, tổng tài sản hợp nhất của VietinBank ước đạt 947.000 tỉ đồng, tăng 22% so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 862.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước trong khi tổng dư nợ tín dụng ở mức 720.000 tỷ đồng tăng 18% so với năm 2015, hoàn thành kế hoạch đề ra. Đặc biệt, đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank được duy trì ở mức dưới 1%, thấp nhất trong các NHTM tại Việt Nam.
Cũng chú ý không kém cho kết quả kinh doanh năm 2016 của “ông lớn” Vietcombank. Theo đó, kết thúc năm 2016, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trước dự phòng đạt tới 14.605 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Dự phòng rủi ro đã trích 6.392 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng theo đó đạt tới 8.212 tỷ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ, đạt 102,7% kế hoạch năm 2016.
Trong khi đó, tại BIDV thì năm 2016 là một “dấu ấn đặc biệt” khi tổng tài sản nhà băng này lần đầu tiên cán mốc hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước và chiếm gần 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng của BIDV trong năm 2016 đạt 758.585 tỷ đồng, tăng 17,85% so với năm trước, huy động vốn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng với 795.733 tỷ đồng, tăng 20,45% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của BIDV trong năm 2016 ở mức 7.507 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước. Riêng tỷ lệ nợ xấu thì được khống chế ở mức 1,47%
Còn tại Agribank, lợi nhuận năm 2016 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 3%.
Một số ngân hàng thương mại khác thì tình hình kinh doanh cũng khá khả quan. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 707 tỷ đồng, tăng gần 13% so với 2015. Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm là 0.51%.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) cũng đạt lợi nhuận trước dự phòng 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 702 tỷ, đạt 104% so với kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông giao từ đầu năm, cao hơn 7% so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%.
Một số nhà băng khác thì dù chưa có báo cáo tài chính nhưng tình hình kinh doanh quý 3/2016 cho thấy tình hình không mấy khả quan. Chẳng hạn, tại KienlongBank, báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2016 cho thấy, chi phí hoạt động tăng 21% lên 153 tỷ đồng khiến Kienlongbank ghi nhận khoản lỗ 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 27,6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2016, Kienlongbank ghi nhận 19,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2015.
Riêng tại Sacombank, năm 2016 nhà băng này có tổng tài sản đạt trên 330 ngàn tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015, vốn chủ sở hữu cũng đạt hơn 22 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế khoảng 4.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức gần 3.000 tỷ đồng các năm trước. Tuy nhiên, phía Sacombank cũng thừa nhận đang phải trích lập dự phòng để giải quyết các tồn đọng của ngân hàng Phương Nam khiến cho lợi nhuận ngân hàng Sacombank sau sáp nhập bị ảnh hưởng khá nhiều.
Về tình hình báo lãi nghìn tỷ của các ngân hàng liệu có là “con số đẹp” của các ngân hàng, theo Luật sư-Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia Tài chính Ngân hàng thì, con số trên sổ sách của các ngân hàng đều được kiểm toán nên nếu có chênh lệch do các khoản trích lập dự phòng... từ những năm trước thì cũng không nhiều. Do vậy, từ báo cáo lợi nhuận này của các ngân hàng có thể thấy được tình hình “sức khỏe” của các nhà băng năm 2016 đã có sự tăng trưởng đáng kể.