Ông chủ Inter Milan tháo chạy, Six Senses Ninh Van Bay sẽ thế nào sau "cú trượt dài"?

Google News

(Kiến Thức) - Ninh Vân Bay, chủ chuỗi resort sao đẳng cấp Six Senses Ninh Van Bay, vừa có những biến động lớn trong cơ cấu cổ đông cũng như dàn lãnh đạo chủ chốt sau nhiều năm trượt dài.

Sáng 30/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) công bố thông tin về loạt thay đổi nhân sự chủ chốt của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (HoSE: NVT) trong bối cảnh cổ đông lớn của đơn vị này cũng vừa biến động mạnh.

“Bánh vẽ” kế hoạch và cú “úp sọt” cổ đông

Ninh Vân Bay được thành lập năm 2006 và chỉ sau đó 4 năm (2010), doanh nghiệp này hồ hởi lên sàn chứng khoán với định giá trên 35.00 đồng/cổ phiếu.

Kế hoạch kinh doanh thì vẽ ra rất hoành tráng với doanh thu sẽ từ mốc 872 tỷ đồng của năm 2010 vọt lên đột biến hơn 2.000 tỷ đồng vào 1 năm sau đó và duy trì mức trên 3.000 tỷ đồng cho các năm 2012-2014.

Còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng sáng ngời với mức 121 tỷ đồng đến 482 tỷ đồng từ 2010-2014 dù năm 2009 chỉ lãi gần 7 tỷ đồng. Thậm chí lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) cũng rất hấp dẫn từ 2.000 – hơn 5.000 đồng.

Hẳn nhiên đó chỉ là “bánh vẽ” bởi thực tế con số mà Ninh Vân Bay mang lại cho nhà đầu tư là những khoản lãi lẹt đẹt từ 2-21 tỷ đồng, thậm chí có cả những khoản lỗ khổng lồ tới 479 tỷ đồng trong năm 2017 do dòng tiền thực tế không gánh nổi những khoản chi phí, hay những giao dịch vay nợ với các bên liên quan ngày càng lớn đã ăn mòn lợi nhuận của Ninh Vân Bay.

Ong chu Inter Milan thao chay, Six Senses Ninh Van Bay se the nao sau
 

Vì sao Ninh Vân Bay lại có cơ sự đó?

Nguồn cơn bắt đầu từ năm 2010 khi Ninh Vân Bay thấy dự án Six Senses Khánh Hòa hoạt động thành công, đơn vị này không tiếc tiền, rót vốn đầu tư loạt dự Emeralda Ninh Bình, Emeralda Hội An, LacViet New Tourist City, khu du lịch sinh thái Đông Anh hay góp 100% vốn thành lập Câu lạc bộ kỳ nghỉ Ninh Vân Bay.

Điều tất yếu cũng đến, Ninh Vân Bay phải dùng đòn bẩy tài chính để tài trợ cho các dự án trong khi nguồn thu chính yếu thời gian đó là Six Senses Ninh Vân Bay Khánh Hòa.

Vòng luẩn quẩn nợ - vay xảy ra, Ninh Vân Bay buộc phải rút một phần vốn tại Công ty Câu lạc bộ Kỳ nghỉ Ninh Vân Bay, chuyển đổi vốn đầu tư tại Du lịch Tân Phú và thu hẹp hoạt động chi nhánh tại Nha Trang. Đặc biệt, dự án Six Senses Sai Gon River không thể đúng tiến độ.

Chính những điều này khiến Ninh Vân Bay liên tục báo lỗ trong hai năm 2011 và 2012.

Sang năm 2013, Ninh Vân Bay tạo nên cú sốc lớn khi Recapital Group của tỷ phú Rosan P. Roeslani (ông chủ của Inter Milan) đã chi 225 tỷ đồng mua 30 triệu cổ phần và trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 35,87% Ninh Vân Bay.

Tuy nhiên, Ninh Vân Bay cũng chỉ trụ được 2 năm tiếp theo là 2013 và 2014 khi lãi lần lượt 21 và 6 tỷ đồng. Công ty phát hành 230 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nợ vào cuối năm 2014, thậm chí lên kế hoạch thoái vốn tại dự án trọng điểm Six Senses Latitude Sài Gòn River và Emeralda Ninh Bình.

Kết quả là năm 2017, việc thoái vốn tại Công ty Hai Dung (chủ đầu tư của Six Senses Sai Gon River) và Công ty Tân Phú (chủ đầu tư Emeralda Ninh Bình) khiến Ninh Vân Bay chịu lỗ nặng tới 479 tỷ đồng.

Có lẽ rút kinh nghiệm từ việc thoái vốn gây lỗ nặng và nhằm bảo vệ tài sản có giá trị cuối cùng của Công ty mà liên tiếp hai năm qua (2018 và 2019), đại hội đồng cổ đông của Ninh Vân Bay nhất quyết đưa thêm vào tờ trình “trong mọi trường hợp công ty không bán dự án Six Senses Ninh Vân Bay" và "luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại CTCP Du lịch Hồng Hải tối thiểu là 51%".

Ong chu Inter Milan thao chay, Six Senses Ninh Van Bay se the nao sau
  Six Senses Ninh Vân Bay.

Ông chủ của Inter Milan tháo chạy, nhóm cổ đông mới là ai?

Sau nhiều biến cố, Ninh Vân Bay lại một lần nữa khiến nhà đầu tư bất ngờ khi những ngày cuối tháng 9/2019 thay đổi loạt nhân sự chủ chốt cũng như sự tháo chạy và xuất hiện của những nhóm cổ đông lớn.

Theo đó, trung tuần tháng 9, quỹ ngoại Recapital Investments đăng ký bán 21,72 triệu cổ phiếu NVT trong tổng số 32,46 triệu cổ phiếu đang nắm giữ, tương ứng 19,55% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức đặt lệnh trên sàn chứng khoán, giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 16/9 đến 15/10/2019.

Mục đích giao dịch là để thanh toán khoản vay của Recapital Investments. Như vậy nếu giao dịch thành công, Recapital Investments sẽ chỉ còn nắm giữ 10,75 triệu cổ phiếu NVT, tương đương hạ tỷ lệ sở hữu từ 35,87% xuống còn 11,87%.

Ở chiều ngược lại, ông Hoàng Anh Dũng - Tổng Giám đốc muốn mua 25 triệu cổ phiếu NVT để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và hoặc khớp lệnh từ 18/9 đến 17/10/2019.

Trong khi đó ngày 17/9, ông Phạm Quốc Khánh đã hoàn tất mua gần 22 triệu cổ phiếu NVT, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 24% và trở thành cổ đông lớn. Hay ông Nguyễn Văn Dũng cũng trở thành cổ đông lớn khi mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu NVT, tăng sở hữu lên hơn 8 triệu cổ phiếu, chiếm 8,86% lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Có lẽ đã có sự sang tay giữa quỹ ngoại và các cổ đông cá nhân này!?

Do đó, những ngày cuối tháng 9, HĐQT Ninh Vân Bay đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với bà Ngô Thị Thanh Hải kể từ ngày 28/9. Thay vào đó là bầu ông Phạm Thành Thái Lĩnh – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Được biết, ông Phạm Thành Thái Lĩnh sinh ngày 27/9/1982. Bên cạnh vị trí Chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay, ông Phạm Thành Thái Lĩnh đang là Thành viên Ban kiểm soát Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (NS3). Trước đó, ông Phạm Thành Thái Lĩnh là Phó tổng giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Nhựa Tân Phú.

Ông Phạm Thành Thái Lĩnh do nhóm cổ đông Phạm Quốc Khánh đề cử vào HĐQT Ninh Vân Bay.

Ngoài ra, Ninh Vân Bay còn miễn nhiệm vị trí Thành viên HĐQT đối với ông Lê Xuân Hải và bà Lê Thị Thu Hải; miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thúy Liên, thay thế là ông Đào Minh Tuấn.

6 tháng mới đạt 27% kế hoạch năm, cổ phiếu vẫn dưới mệnh giá

Với việc thay đổi bộ sậu này, liệu sắp tới Ninh Vân Bay có thay đổi gì trong kế hoạch kinh doanh khi mà chỉ tiêu năm 2019 được cổ đông thông qua với doanh thu thuần hợp nhất 275 tỷ đồng, nhích nhẹ 2% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế 30 tỷ đồng, tăng 8%.

Giải pháp của Ninh Vân Bay vẫn là khai thác khách hàng truyền thống tại dự án Six Senses Ninh Vân Bay.

Với kế hoạch lợi nhuận là vậy, song 6 tháng 2019, Ninh Vân Bay mới ghi nhận lãi ròng ở mức 8 tỷ đồng, còn xa vời vợi chỉ tiêu cả năm.

Chưa kể, Ninh Vân Bay còn gánh nặng lỗ luỹ kế tính đến ngày 30/6/2019 tới 678,7 tỷ đồng thì khi nào mới “sạch sẽ” trên báo cáo tài chính?

Do ảnh hưởng từ mức lỗ lũy kế này nên cổ phiếu NVT tiếp tục bị Sở giao dịch chứng khoán duy trì diện cảnh báo và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu NVT sau khi có BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019.

Trên thị trường, cổ phiếu NVT biến động khá mạnh trong biên độ dao động hẹp, hiện giao dịch quanh mức 8.110 đồng/cổ phiếu, giảm 73% so với mức giá đóng cửa ngày đầu lên sàn chứng khoán.

Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)