Ông chủ ô tô điện: "Tôi đã phải bán nhà"
Ông Trần Văn Tâm (sinh năm 1962, sống tại Củ Chi, TP.HCM) - "cha đẻ" chiếc ô tô điện - đã phải bán nhà, bị má kêu ra ngoài ở vì ngày đêm gò hàn ồn ào, bị nói điên khùng.
Ông Tâm cho hay, năm 2015, trong lần xem tivi thấy ô tô điện ở nước ngoài lăn bánh, ông nghĩ "Tây làm được thì ta cũng làm được". Thế nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy có rất nhiều vấn đề phải suy tính.
Năm 2018, chiếc xe điện hoàn thiện, được đặt tên là CITY 18 - hàm ý xe đi trong nội thành. Xe có thể chở được 4 người, tốc độ tối đa 50km/h, quãng đường di chuyển đạt 160km. Các trang bị khác của CITY 18 tương tự ô tô chạy xăng.
Ông Tâm trang bị 1 pin lithium cho CITY 18, dòng điện cung cấp là 60V. Cách sạc xe đơn giản tương tự như điện thoại di động, có thể sạc ở bất kỳ đâu có nguồn điện 220V. Xe trang bị máy lạnh, thiết bị giải trí hát karaoke.
|
Ông Trần Văn Tâm |
Ông Tâm tự nhận nếu không có tinh thần lạc quan thì khó có thể vượt qua nhiều trở ngại, không ít những điều tiếng cho rằng ông gàn dở, lập dị. Chưa kể, chi phí cho xe cũng không hề nhỏ. Ban đầu, ông tính toán chi phí cho chiếc xe mẫu là chừng 500 triệu, nhưng đến nay, con số thực đã đội lên cả tỷ đồng. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm thân thiện môi trường cho người Việt nên ông đã cố gắng hoàn thiện được sản phẩm.
Trước đó, chia sẻ với báo giới trong nước, nếu được thương mại hóa bằng dây chuyền công nghiệp, giá trị có thể dưới 250 triệu đồng, thậm chí là 200 triệu đồng.Theo tính toán, xe chạy 100 km mà chỉ tốn khoảng 15.000-20.000 đồng tiền điện.
Tuổi 80 lương 6 triệu, gánh nợ 2.800 tỷ
Ngày 24/6, UBND Tỉnh Thanh Hóa ra quyết định về việc thu hồi đất của Công ty TNHH Một thành viên Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa tại các xã Đại Lộc, Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Diện tích đất này là 456.344 m2. Quyết định 2194/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Lê Đức Giang ký ban hành.
Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Vinaxuki Thanh Hóa được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1.360 tỷ đồng. Mục tiêu của nhà máy là sản xuất, lắp ráp ô tô tải có tải trọng từ 0,5 tấn đến 45 tấn, ô tô buýt từ 16 chỗ ngồi đến 100 chỗ ngồi; sản xuất phụ tùng ô tô các loại.
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Vinaxuki kỳ vọng mỗi năm sẽ sản xuất ra 15.000 xe tải, 400 xe buýt và 75.000 tấn phụ tùng ô tô các loại.
|
Ông Bùi Ngọc Huyên |
Ông Huyên từng tính toán, "tại Thanh Hóa, nhà máy sản xuất xe tải nặng có công suất 15.000 xe/năm, với giá xe 900 triệu/chiếc, chỉ cần chạy 1/3 công suất thì mỗi năm có lãi 500 tỷ đồng". Trong kế hoạch của ông Huyên, giai đoạn 2011-2012 đã lên kế hoạch cổ phần hóa nhà máy tại Thanh Hóa cho hai nhà đầu tư sản xuất xe khách và xe tải nhẹ.
Có tham vọng về xe, ông Bùi Ngọc Huyên viết đơn xin nghỉ hưu sớm để ra ngoài lập doanh nghiệp tư nhân, quyết tâm sản xuất ô tô.
Năm 2015 ông Huyên đem tới triển lãm giới thiệu những chiếc ô tô 4 chỗ với thương hiệu VG (Vietnam Graceful - Duyên dáng Việt Nam) có động cơ 1.5 L nhập từ hãng Mitsubishi (Nhật Bản), dung tích bình xăng 45 lít. Toàn bộ khung xe có chất liệu thép, độ bền cao do Vinaxuki sản xuất với tỉ lệ nội địa hóa đạt 50%. Giá bán dự kiến 350 triệu đồng (số sàn) và 390 triệu đồng (số tự động). Bên cạnh đó, Vinaxuki còn có dòng xe 4 chỗ VG 1.0 với giá bán 200 triệu đồng.
Năm 2009, các tập đoàn sản xuất ô tô lớn của thế giới tìm đến Mê Linh xin hợp tác với Vinaxuki, trong đó, tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc sẵn sàng bỏ ra 1.400 tỷ đồng để mua đứt 49% cổ phần của Vinaxuki.
Thời vàng son, cứ mỗi chiếc xe bán ra là ông Bùi Ngọc Huyên lãi 100 triệu đồng, bằng cả gia tài của một gia đình khá giả ở Hà Nội . Nhưng ông nói, "thương trường như chiến trường", sự nghiệp của ông lao dốc không phanh khi đối thủ quây lại "đánh" Vinaxuki và bị ngân hàng "chơi bẩn", để đến cuối đời người, ông đang gánh trên đôi vai gầy của mình khối nợ 2.800 tỷ đồng.
Từ năm 2013, các nhà máy của Vinaxuki đều đã đóng cửa ngừng hoạt động, các ngân hàng rao bán nhà máy để siết nợ. Các dây chuyền máy móc sản xuất hiện đại của Vinaxuki đã đắp chiếu, hoen gỉ, chỉ được bán với giá... sắt vụn.
Thu nhập chính của ông hiện nay là khoản lương, cộng với nguồn thu “không thường xuyên” từ đàn gà ông nuôi trong nhà xưởng.
Ông trùm xe "Mẹc" Việt: Vợ từng dọa... bỏ
Ông Đỗ Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco), cho biết Haxaco là mối duyên lớn trong cuộc đời mình. Chia sẻ về số phận đưa đẩy bén duyên với ô tô, ông Dũng nhớ lại lần đầu tiên là khi ông vừa tốt nghiệp khoa tài chính kế toán Đại học Thương mại, ra trường không xin được việc thì đi bán ô tô. Lúc đó bán ô tô rất khó vì đây là nghề mới, không ai làm. Bản thân ông khi ấy cũng chẳng đam mê hay thích loại xe nào cả.
Đưa Haxaco từ một doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản vươn lên tăng trưởng mạnh mẽ như ngày hôm nay, đó là những năm tháng đầy chông gai, thử thách, lấy đi của ông không ít mồ hôi, tiền của và sức lực.
"Ông trùm" xe Mẹc Việt Nam hồi tưởng về những ngày hè năm 2013, ông quyết định bỏ hết công việc ở Hà Nội để vào TP.HCM, cùng Ban lãnh đạo gỡ khó cho công ty.
"Khi tôi mua Haxaco, một mình tôi vào Sài Gòn. Vì tôi sinh ra lớn lên ở Hà Nội, nhà cửa ổn định, bố tôi dứt khoát không cho vào. Thậm chí, vợ bảo nếu vào sẽ bỏ. Nhưng một mình tôi vào Sài Gòn ở 4 năm, vực Haxaco lên đến ngày hôm nay. Đó là tự hào của tôi, là nỗ lực của tôi. Thời điểm đó mà không dám quyết thì...
Nói thật ở đây đang chăn ấm nệm êm, con cái các thứ, tôi vào Sài Gòn là sự hy sinh lớn. Là đàn ông mà nhiều khi nằm khóc không ngủ được, con ở nhà thì bé. Cơm tự nấu mà dọn ra không thể ăn được vì nó cứ nghẹn ở cổ".
"Quá tam ba bận", nhưng ông Dũng cho biết ông còn may mắn đến lần thứ tư, khi lần này nhà nước thoái vốn, bán cổ phiếu không có ai mua. Không hiểu thế nào lúc đó ông quyết tâm mua, thế chấp cả nhà cửa, vừa mua xong thì chứng khoán sốt.