Nuôi giống ong lạ không có nọc đốt, mỗi năm thu tiền tỉ

Google News

Ong không có nọc đốt, cắn nhẹ hơn kiến, không bỏ tổ đi dù có động. Việc nuôi ong đặc biệt này đang mang lại giá trị kinh tế.

Từng thất bại với ý tưởng nuôi ong mật, ít lâu sau, anh Nguyễn Hữu Trực, chủ cơ sở Ong dú Jichi (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) vô tình phát hiện một tổ ong lạ trong vườn nhà. Tổ ong này tồn tại lâu, ong thợ không bỏ tổ, không đốt, mật ong được sản sinh như bình thường.
Cuối năm 2018, anh Trực bắt đầu thương mại hóa giống ong dú nói trên. Sau 3 năm tìm hiểu, anh cho ra bộ quy trình nuôi. Đây là cơ sở duy nhất trên cả nước có quy trình nuôi ong dú bài bản. Năm 2021, khoảng 400 tổ ong được tiêu thụ; năm 2022, con số bán ra tăng lên 800-900 tổ.
Nuoi giong ong la khong co noc dot, moi nam thu tien ti
 Các tổ ong dú được nuôi ngoài vườn nhà. (Ảnh: NVCC)
Theo anh Trực, giá bán hiện nay là 2 triệu đồng/tổ ong. Mật độ khoảng 1.000 con ong/tổ. Trọng lượng tổ hơn 2kg gồm: hộp tổ, trứng ong, thức ăn dự trữ. “Doanh thu từ bán tổ ong trong năm qua là 1,2-1,3 tỷ đồng. Khách hàng chủ yếu ở phía Nam do ong hợp khí hậu ấm. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng... là các địa phương phát triển đàn ong mạnh”, anh nói.
Thú chơi ong dú phát triển nhanh do kỹ thuật chăm sóc đơn giản, tổ ong chỉ cần đặt dưới nắng có bóng râm, đây là điều kiện lý tưởng nhất. Ong tự đi tìm nguồn thức ăn trong tự nhiên. Mỗi năm, ong dú cho ra chừng 1 lít mật, giá bán thị trường khoảng 2 triệu đồng/lít.
Bắt đầu nuôi ong dú từ đầu năm 2021, anh Nguyễn Công Bằng (quận Tân Phú, TP.HCM) đã phát triển, chăm từ 20 đàn ong lên khoảng 100 đàn ngay trên sân thượng gia đình. Theo anh, loài ong này lành, không có nọc đốt, thay vào đó, ong cắn nhẹ hơn kiến, không để lại dấu vết trên da.
Ong dú còn mang ý nghĩa phong thủy khi nuôi. Khác với ong mật, ong dú không bỏ tổ đi dù có động hoặc ồn ào. Mặt khác, ong cũng là loài chịu khó ra ngoài kiếm thức ăn về tổ. Đây được hiểu như việc chịu khó lao động, tích trữ tài sản, theo người nuôi ong.
Thời gian qua, anh Nguyễn Hữu Trực đã đưa ong dú về cho người dân ở khu vực huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận (nơi có diện tích rừng nguyên sinh nhiều, đa dạng cây để ong lấy mật) thực hiện mô hình nuôi vệ tinh liên kết.
Sau khi hướng dẫn kỹ thuật nuôi, 20 hộ dân, trong đó có người Khmer bản địa, đã thực hiện hợp tác với cơ sở nuôi. Anh Trực đặt tổ, cho nhân viên tới chăm sóc, lấy mật khi cần thiết. Một số hộ gia đình có thể tự thực hiện chăm sóc tổ ong thông qua hướng dẫn gọi video trực tuyến bằng Zalo hoặc quay lại video gửi cơ sở nuôi.
Trung bình, với khoảng 20 tổ ong, một hộ gia đình có thêm thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập trên không nhỏ đối với người dân địa phương, song, anh Trực vẫn khó thuyết phục các hộ gia đình tham gia bởi tập quán thích đi rừng, chăn nuôi bò, dê, cừu truyền thống ở bản địa.
Trái lại, một số hộ dân thấy được lợi ích kinh tế từ việc nuôi ong dú, sau khi thuần thục kỹ thuật chăm sóc, họ tự nhân đàn và bán ra thị trường.
Anh Trực cho rằng, chuyện này hoàn toàn bình thường. Nếu có lợi về mặt kinh tế thì người dân nên làm bởi nhu cầu thị trường hiện rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng khi bán thương mại tổ ong, cần hướng dẫn kỹ để người chơi mới duy trì tổ lâu dài, không mất niềm tin trong quá trình nuôi loài ong đặc biệt này.
“Cạnh tranh là điều không tránh khỏi khi làm thương mại, nuôi yến hay mô hình nuôi nào cũng vậy. Trước mắt, năm 2023, tôi chỉ muốn đăng ký mô hình nuôi ong dú OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho địa phương mình”, đại diện cơ sở Ong dú Jichi cho biết.
Theo Trần Chung/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)