Nước sâm, nước mía lề đường hốt bạc ngày Sài Gòn nóng 36 độ C

Google News

Gần tháng nay, TP.HCM luôn trong tình trạng nắng nóng, nền nhiệt độ ở mức 35-36 độ C. Các điểm bán nước giải khát ven đường liên tục mọc lên và lúc nào cũng tấp nập khách.

Những ngày này, nhiều điểm giải khát ở một số tuyến đường tại TP.HCM như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Vạn Kiếp, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Hồng Phong… luôn tấp nập khách. Nước mía, cam vắt, sâm lạnh, dừa tắc, nước ép trái cây đóng chai… là những thức uống được đông người lựa chọn giải nhiệt.
Không tính nổi mỗi ngày chặt bao nhiêu trái dừa
Do nhu cầu giải khát mùa nắng nóng tăng cao, một số nơi đã tăng nhẹ giá lên 1.000-2.000 đồng nhưng phần nhiều điểm bán vẫn giữ giá không đổi so với ngày thường.
Anh Đăng Trình cùng vợ và con trai bán nước mía, dừa tươi trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) được 3 năm nay. Tại quầy giải khát của anh, nhiều người phải dừng xe, nép sát vào lề đường để chờ mua.
Anh cho biết năm nào cũng vậy, cứ vào mùa này là lượng khách mua nước giải khát ở quầy anh bán tăng rất mạnh.
 Vợ chồng anh Trình phải luôn tay, luôn chân làm việc cả ngày phục vụ nước mía và dừa lạnh cho khách hàng. Ảnh: Phúc Minh.
“Tôi không thể nào nhớ hết mỗi ngày bán được bao nhiêu trái dừa. Ngày nào cũng vậy, tôi cứ luôn tay chặt dừa, vợ ép nước mía, con trai thì chạy ra vô giao cho khách, tất bật hết một ngày từ sáng đến tối”, anh cười và chỉ tay vào những dĩa cơm mà cả nhà không có thời gian ăn.
Mặc dù khách đông, giá dừa mua từ nhà vườn miền Tây nhỉnh hơn so với bình thường nhưng vợ chồng anh Trình vẫn giữ giá bán cũ. Dừa tươi anh bán giá 15.000 đồng/trái, thêm tắc hay đá tùy ý khách hàng. Nước mía cũng chỉ 3.000 đồng/ly, khuyến mãi mua 2 tặng 1. Lượng khách đông, anh cho biết doanh thu mỗi ngày cũng vài triệu đồng.
Tương tự, xe đẩy dừa tắc, dừa thơm trên đường Pasteur (quận 3) cũng luôn kín người. Nhiều người đậu xe trên lề đường, uống tại chỗ giữa nắng nóng.
Chủ xe dừa này cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán, trời bắt đầu nắng nóng nên dừa bán chạy hơn rất nhiều. Cá biệt, những ngày gần đây, số lượng người mua tăng gấp đôi. Mỗi ngày chúng tôi bán ra hơn 400 trái dừa”.
Anh cũng cho biết thêm số lượng người mua vào buổi trưa khá đông, nhưng tối mới là thời điểm bán chạy nhất. “Chúng tôi cứ luôn tay luôn chân, buổi tối thì kê thêm bàn cho khách ngồi vừa uống vừa hóng mát”, anh nói.
 Mỗi ngày, xe dừa tắc này bán ra hơn 400 trái. Ảnh: Phúc Minh.
Cửa hàng nước sâm tại góc đường Điện Biên Phủ giao với Đinh Tiên Hoàng (quận 1) cũng luôn đông người dừng xe giải khát. Tại đây, nước sâm đóng chai có giá 18.000 đồng, ly uống tại chỗ là 8.000 đồng. Vừa chạy ra, chạy vào giao nước cho khách, một nữ nhân viên cửa hàng cho biết mỗi ngày chỉ riêng nước sâm chai bán cho khách mang đi đã lên đến hàng trăm chai.
Nở rộ dịch vụ giải khát nhanh ở lề đường
Từ đầu mùa nóng, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) nở rộ dịch vụ nước chanh dây, cam ép tại chỗ, với giá bình dân từ 10.000-15.000 đồng/ly. Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có hàng chục người bán. Người mua cứ dừng xe bên đường, trả tiền rồi lấy nước chạy đi.
Các cửa hàng nước ép trái cây tập trung nhiều tại đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) cũng được nhiều người lựa chọn giải nhiệt. So với nước sâm, nước mía, dừa tắc, nước giải khát này ít hút khách hơn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng cho biết sức mua gần đây cao hơn rất nhiều.
Giải thích về lựa chọn nước mía, nước sâm, dừa lạnh… cho mùa nắng nóng, nhiều người cho biết, đây là những thức uống giải nhiệt tức thời vừa hiệu quả, vừa ít tốn kém.
Giải khát tức thì, tiết kiệm thời gian và chi phí rẻ nên nhiều người chọn giải khát ngoài đường. Ảnh: Phúc Minh.
Đậu xe bên đường, trong bộ quần áo chống nắng, găng tay, kính mát kín mít, chị Tâm (nhân viên văn phòng tại quận 3) cho biết chị là khách quen của xe dừa tắc trên đường Pasteur. Hầu như tuần nào chị cũng ghé đấy ít nhất 4 lần để uống dừa tắc.
“Trời quá nóng, chạy xe đang khát là có ngay thức uống tiện lợi bên đường. Tôi có thể vừa mua được nhanh, vừa uống tại chỗ thì còn gì bằng”, chị nói
Tương tự, khi chở con đến trường, anh Hoàng cũng ghé lại quán nước sâm bên đường để giải khát. Anh cho biết: “Vừa ra khỏi nhà là nóng không chịu nổi. Hai cha con cùng uống ở đây, nhưng tôi mua thêm cho con một chai nữa để mang vào trường”.
Nhiều sinh viên cũng chọn hình thức giải khát nhanh này để tiết kiệm chi phí. Hoàng Anh (sinh viên ĐH Văn Lang) chọn nước sâm thay vì các loại thức uống khác.
“Nước giải khát lề đường lại hiệu quả hơn nhiều các loại thức uống khác mùa nắng nóng. Trời nóng, uống nhanh để tiếp thêm năng lượng rồi lên xe đi tiếp”, nữ sinh cười.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, TP.HCM sẽ tiếp tục nắng nóng trong 10 ngày cuối tháng 4, nhiệt độ phổ biến 34-36 độ C.
Theo Phúc Minh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)