Nông dân Trung Quốc làm trực thăng: Vì sao thua hàng Việt?

Google News

Nông dân Trung Quốc chế tạo trực thăng đơn giản, dễ thiết kế nhưng ứng dụng không cao. Hơn nữa để bay được cần phải có không gian rộng để lấy đà.

Thiết kế đơn giản, tính ứng dụng không cao
Ngày 13/6, tờ South China Morning Post đưa tin, ông Xu Bin (43 tuổi), một nông dân sống ở thành phố Giang San, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đang rao bán hơn 10 chiếc trực thăng do ông tự chế tạo sau nhiều năm bằng cách chụp ảnh và quay phim từ trực thăng.
Vào năm 2006, sau 16 năm nghiên cứu, ông Xu đã cho ra mắt chiếc trực thăng do bản thân tự sáng chế. Trực thăng của ông nặng khoảng 130 kg với kinh phí chừng 30.000 nhân dân tệ (khoảng 100 triệu đồng Việt Nam). Nó có thể bay liên tục trong khoảng 25 phút ở độ cao 2.000 m.
Nong dan Trung Quoc lam truc thang: Vi sao thua hang Viet?
Chiếc trực thăng của nông dân Trung Quốc. 
Vào năm 2013, chiếc trực thăng thứ 10 của ông hoàn thành với tải trọng lên đến 200 kg, bay ở độ cao 500 m trong thời gian 90 phút với điều kiện xăng đầy bình.
Quan sát kỹ những hình ảnh và đoạn clip bay thử, kỹ sư Bùi Hiển (Bình Dương), cha đẻ của máy bay trực thăng “made in Vietnam” cho biết trực thăng của nông dân Trung Quốc thuộc dòng Gyro.
Để chế tạo trực thăng này, ông Hiển khẳng định không quá khó khăn và tốn kém như các sản phẩm mà ông từng mày mò, nghiên cứu thời gian qua.
Nong dan Trung Quoc lam truc thang: Vi sao thua hang Viet?-Hinh-2
Kỹ sư Bùi Hiển trong cuộc trò chuyện với Đất Việt. 
“Trước đây khi dự định làm trực thăng, tôi đã nghiên cứu rất kỹ các loại. Dòng Gyro thiết kế khá đơn giản, dễ làm và lắp ghép. Nó cơ bản giống như trực thăng cánh bằng nhưng cánh quạt gọn hơn, không cần phải cánh lớn. Động cơ không cần thiết phải có những thiết bị giống như động năng của trực thăng mà có thể thay thế bằng vật liệu khác.
Tuy nhiên để chạy được thì bắt buộc phải có khoảng không gian rộng để chạy đà và trực thăng phải đạt đến tốc độ 150 km/h thì mới cất cánh được. Ở Việt Nam, để bay thử là một việc không hề đơn giản.
Hơn nữa, khi muốn điều khiển ở tốc độ 150 km/h, bắt buộc người lái phải là các phi công chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. Những người nghiệp dư hoặc chưa có bằng lái muốn thử rất nguy hiểm'' - ông Hiển nói.
Từ phân tích trên nên, nhà sáng chế đã không làm trực thăng kiểu Gyro. Loại trực thăng do ông thiết kế hiện nay lên thẳng, không cần chạy đà, tốc độ nhanh, chậm tùy thuộc vào người lái. Để sử dụng và điều khiển máy bay không người lái cũng không có gì quá phức tạp.
Với một người có trình độ trung cấp, nếu tham gia huấn luyện thì chỉ trong thời gian từ 1-2 tuần là sử dụng, điều khiển được máy bay.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến là tính ứng dụng trong sản phẩm do nông dân Trung Quốc vào thực tế không cao. Loại trực thăng trên chỉ phù hợp với việc chụp ảnh hoặc quay phim từ trên cao.
“Với thiết kế kiểu này trực thăng không chở được gì hết. Vì bắt buộc phải chạy đà nên nếu đầy tải thì trực thăng không lên được. Do đó tính ứng dụng trong nông nghiệp hay cuộc sống gần như không có”, ông Hiển nhấn mạnh.
Giá rẻ đến bất ngờ
Về thông tin chi phí để người nông dân Trung Quốc chế tạo ra một chiếc trực thăng chỉ khoảng 100 triệu đồng, kỹ sư Bùi Hiển cho rằng cần phải kiểm chứng lại việc này.
Ông Hiển chia sẻ, trước đây khi mới bắt tay vào sản xuất trực thăng, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông phải đầu tư khoảng 500-600 triệu đồng. Về sau khi đã thuần thục hơn với các kỹ năng, số tiền đầu tư vào trực thăng là 300-400 triệu đồng.
“Tôi nghĩ để sản xuất ra một chiếc trực thăng mà chỉ có giá 100 triệu rất khó. Như tôi được biết, động cơ trực thăng, máy bay hiện nay Trung Quốc chưa sản xuất được. Họ bắt buộc phải nhập từ nước ngoài về. Riêng động cơ chuyên dùng hiện nay tôi mua đã có giá 100 triệu đồng.
Ngoài ra còn rất nhiều có bộ phần khác cũng cần phải đầu tư. Chẳng hạn như trong trực thăng tôi thiết kế, tính riêng phần cánh lớn đã là 60 triệu. Cánh đuôi để đẩy ít nhất cũng phải 10 triệu.
Theo tính toán của tôi, nếu cộng dồn các khoản lại thì rẻ nhất cũng phải rơi vào mức 300 triệu đồng”, ông Hiển khẳng định.
Cải tiến động cơ trực thăng Bùi Hiển
Ngày 15/6, kỹ sư Bùi Hiển đã ra Hà Nội để làm việc lại với Hội hàng không vũ trụ Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm thống nhất việc sản xuất, chế tạo máy bay không người lái.
Chia sẻ với Đất Việt, ông Hiển khá lạc quan với sự hợp tác này và mong muốn nhanh chóng có thể bắt tay vào thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng tiết lộ đang tiến hành cải tiến động cơ của trực thăng đời đầu mang tên Bùi Hiển theo công nghệ mới nhất của công nghệ đồng trục nhằm nâng cao tốc độ bay.
“Trước đây tôi làm theo công nghệ dễ nhất để trực thăng có thể bay được. Bây giờ tôi tập trung làm theo hướng phức tạp nhất. Tôi làm sắp xong rồi. Cung cánh và các bộ phận đều được cải tiến hết, nhẹ và dễ chỉnh. Tôi đảm bảo tốc độ sẽ rất nhanh và bay giống như chim luôn”, ông Hiển chia sẻ.
Theo Nguyễn Hoàn/Đất Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)