Mấy năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Tổng, ở xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam làm nghề buôn bán trái cây khắp các tỉnh miền Nam. Vất vả cả ngày mà cuộc sống chẳng mấy dư giả, 2 vợ chồng trở về quê lập nghiệp. Năm 2017, ông Nguyễn Tổng cải tạo diện tích đất lúa, trồng cây ăn quả. Nhờ chăm sóc tốt, sau 2 năm, vườn cây trái bắt đầu trĩu quả. Năm 2019, ông Nguyễn Tổng mạnh dạn vay 400 triệu đồng từ Ngân hàng tiếp tục mở rộng trồng cây ăn quả trên diện tích 20.000m2.
|
Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp làm du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng đem lại nguồn thu đáng kể.
|
Hiện nay, vườn cây ăn quả ông Nguyễn Tổng có hơn 500 cây bưởi da xanh, gần 1.000 cây ổi, chôm chôm, xoài, chanh và nhiều loại cây ăn quả khác. Hàng năm, ông bán ra thị trường 200 tấn trái cây các loại, sau khi trừ chi phí, lãi từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Ông Tổng còn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả kết hợp làm du lịch sinh thái nay trở thành mô hình điểm về phát triển nông nghiệp tại huyện Đại Lộc. Hiện nay, ông Nguyễn Tổng còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
“Cũng nhờ nguồn vốn mình mới có đầu tư phát triển để mở rộng mô hình ra, kèm theo phát triển khu du lịch sinh thái cho bà con đi tham quan. Nay bưởi da xanh bắt đầu vào mùa thu hoạch, năm tới dự định doanh thu cây bưởi 800 triệu đồng/vụ, bưởi cho ra liên tục cây khoảng 50 trái, có cây 80 trái”, ông Nguyễn Tổng chia sẻ.
|
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn, chị Dung mở rộng đầu tư chăn nuôi heo.
|
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Minh Dung, ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thuộc diện hộ khó khăn. Mơ ước làm giàu, chị Dung đã vay 2 tỷ đồng từ ngân hàng đầu tư chăn nuôi heo và kinh doanh thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các thị trường khu vực miền Trung. Từ 2 bàn tay trắng, giờ đây, cuộc sống gia đình chị Dung đã khấm khá.
“Vay vốn ngân hàng để chăn nuôi cũng được, có nhà có cửa và nuôi 4 đứa con ăn học. Trước cũng khó khăn nhưng nhờ nguồn vốn mình đầu tư vào làm ăn nay cuộc sống cũng được”, chị Dung nói.
Tính đến nay, có hơn 15.000 hộ dân ở huyện Đại Lộc vay 2.200 tỷ đồng tại Agribank để đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế trang trại, buôn bán nhỏ lẻ… Nhờ đó, cuộc sống người dân được cải thiện, có nhiều hộ đã vượt khó vươn lên khá giả./.