Chiếc bàn rộng 3 gang tay có giá nửa tỷ đồng tại Hà Nội
Theo thông tin đăng tải trên báo Dân Việt, tại triển lãm diễn ra ở Đồng Mô (Hà Nội), chiếc bàn đá xanh của ông Phạm Tường Minh (50 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đã và đang nhận được sự quan tâm của mọi người.
|
Chiếc bàn rộng 3 gang tay có giá nửa tỷ đồng tại Hà Nội. Ảnh: báo Dân Việt |
Ông Phạm Tường Minh cho biết bàn được làm từ đá malachite lục hay còn gọi là đá lông công, chuyên dùng để ốp bề mặt các bức tường ở cung điện lớn trên thế giới như điện Kremlin và cung điện Mùa đông ở Nga.
Được biết, đá lông công thuộc nhóm đá cứng - những loại đá có thang độ cứng trên 5, thủy tinh không thể cắt xước, chịu lực tốt, nhưng trọng lượng không đáng kể.
Để có được hơn 150 miếng ghép làm thành bề mặt bàn, ông Minh mất hơn 3 năm sưu tầm 400 kg đá từ nước ngoài và thêm nửa năm để chọn lọc và ghép các miếng lại với nhau. Tác phẩm có đường kính chỉ khoảng 70 cm, nặng chưa đến 80 kg, được chủ nhân đề giá 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ (chủ tịch Hội Đá cảnh, đá phong thủy Việt Nam) cho hay, bàn có độ dày khoảng 10 cm, độ cứng ở thang 7, "vì thế có thể nói tác phẩm trường tồn, không hề chịu sự chi phối của các tác nhân bên ngoài, trừ phi có lực mạnh tác động bằng vật cứng hơn".
Chiếc ‘bàn là con gà’ được trả giá hàng trăm triệu
Báo Chất lượng Việt Nam cho biết, vài năm trở lại đây không ít thương lái, dân sưu tầm đã lùng sục tìm mua chiếc "bàn là con gà" được làm từ đồng lạnh. Mức giá cho những chiếc bàn là cổ lỗ sĩ này từ hàng trăm triệu cho đến cả tỷ đồng.
Dân mua bán đồ cổ cũng kháo nhau cách phân biệt khóa hình con gà có đúng là đồng lạnh hay không bằng cách đun sôi nước (tỷ lệ 200 ml nước/1g đồng). Nước đang sôi thả con gà vào sẽ tắt sôi và đun tiếp trong 30 phút, nước sôi lại và có thể thò tay vào lấy con gà ra.
|
Chiếc "bàn là con gà" được trả giá hàng trăm triệu. Ảnh: báo Chất lượng Việt Nam |
Những người có kinh nghiệm đúc đồng cho biết, bàn là cổ hiện giờ trên thị trường rất nhiều, tuy nhiên chỉ duy nhất loại bàn là được Pháp sản xuất đưa vào Việt Nam lần đầu tiên có 12 lỗ, trọng lượng trên 3kg và khối lượng con gà khoảng 2 lạng là được làm bằng đồng lạnh. Còn lại một loại là 2,5kg có 9 lỗ và loại 1,3kg có 8 lỗ bên hông đều được sản xuất sau và không đúng yêu cầu.
Khi được hỏi về công dụng và đầu ra của sản phẩm có giá tiền tỷ này thì hầu hết nhiều cả hàng và người chơi đồ cổ đều lơ mơ và không biết chính xác công dụng là gì. Nhiều người cho rằng đồng lạnh có giá đắt như vậy vì đó là vật liệu tích nhiệt rất thấp nên được dùng để tản nhiệt trong Hàng không vũ trụ và để chế tạo một số vi mạch phi thuyền, vỏ vi thuyền để chống ma sát.
Xe đạp thời "ông bà anh" trị giá hàng trăm triệu đồng
Theo báo Người đưa tin, mới đây, triển lãm quốc tế xe hai bánh Việt Nam diễn ra tại Hà Nội quy tụ hơn 100 loại sản phẩm và mẫu mã của các doanh nghiệp trong nước và các dòng xe, linh phụ kiện nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc...
Bên cạnh các thương hiệu xe tên tuổi, điểm nhấn của triển lãm chính là bộ sưu tập hơn 40 xe cổ Peugeot (Pháp) của CLB xe đạp cổ Hà Nội.
Trong bộ sưu tập, xe lâu đời nhất hơn 100 tuổi, xe ít tuổi nhất cũng gần 40 năm. Giá bán tùy loại nhưng chủ yếu là để trưng bày, chiếc đắt nhất được chủ nhân rao bán tại triển lãm 11.000 USD, nhiều xe có giá trên dưới 100 triệu đồng.
Một chiếc xe cổ mang thương hiệu Alcyon, được chủ nhân mua tại Hà Lan. Hiện chiếc xe được rao bán với giá 11.000 USD.
Anh Nguyễn Khương - chủ xe cho biết, xe dùng động cơ 2 kỳ. Anh mua năm 2007, được sản xuất năm 1910. Xe được truyền lực bởi dây curoa kép, một loại phụ tùng khá hiếm đối với xe đạp.