Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Quế Võ, Bắc Ninh. Năm 1984, ông Minh tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).
Ông Minh từng tham gia quân đội và có nhiều năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội. Từ bỏ quân hàm thiếu tá, đầu những năm 1990, ông Minh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam. Giai đoạn này, ông Minh và doanh nghiệp của mình chủ yếu xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một chuyến hàng thua lỗ nặng, ông Minh phải bán nhà để trả nợ.
“Khi bán nhà, tôi bị dịch vụ “chém” đau. Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết chỉ 3 triệu. Tôi lập luôn công ty hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu”, tạp chí Việt Nam Finance dẫn lời ông Minh khi lý giải về cơ duyên dẫn ông đến với lĩnh vực BĐS.
|
Ông Dương Công Minh. Ảnh: Vietnamnet. |
Thông tin từ website Him Lam cho biết, “Công ty cổ phần Him Lam được thành lập ngày 1/9/1994 trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Him Lam... Tính đến nay, Him Lam đã tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, Khu đô thị mới, hầu hết các dự án đều ở vị trí gần trung tâm thành phố, có cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện...
Không chỉ nắm trong tay số lượng dự án “khủng”, với vốn điều lệ lên tới 6.500 tỷ đồng, Him Lam cũng nằm trong “top” những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh lĩnh vực nhà ở, khu đô thị, một lĩnh vực nổi bật khác của Him Lam là kinh doanh sân golf. Dự án đầu tiên của Him Lam trong lĩnh vực này là sân tập golf Ba Son (TP. HCM). Sân golf này được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 1999.
Ngoài Ba Son, Him Lam còn đầu tư vào các dự án sân golf Long Biên (Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (TP. HCM). Điều đặc biệt là trước khi có sự xuất hiện của Him Lam, diện tích đất ở Long Biên và Tân Sơn Nhất đều do Bộ Quốc phòng quản lý toàn bộ hoặc một phần.
Những thành công vượt bậc của Him Lam trong lĩnh vực bất động sản dường như vẫn chưa làm thỏa mãn được ông chủ Dương Công Minh. Với định hướng trở thành một doanh nghiệp đa ngành, Him Lam lấn sân sang mảng tài chính bằng việc tham gia thành lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank) vào năm 2008.
Đến năm 2011, LienVietBank được Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng tiền mặt và giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện. Tên ngân hàng cũng được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Tờ Việt Nam Finance bình luận: Cuộc sáp nhập này cũng được đánh giá là một chiến lược khôn ngoan của Dương Công Minh. LienVietPostBank là mô hình ngân hàng – bưu điện đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, thừa hưởng hơn 10.000 điểm giao dịch ở khắp các tỉnh thành trên cả nước mà nếu tự gây dựng có thể LienViet phải mất hàng chục năm.
Báo Đất Việt cho biết thêm về những diễn biến mới liên quan đến LienVietPostBank và ông Dương Công Minh: “Mặc dù vừa có đơn xin từ nhiệm, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ông Minh vẫn là người có tầm ảnh hưởng tới LienVietPostBank. Tính đến hết quý I.2017, LienVietPostBank hiện có vốn điều lệ là 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản 138.023 tỷ đồng”.
Theo đồn đoán, ông Minh từ nhiệm vị trí Chủ tịch LienVietPostBank là để chuẩn bị cho một bước tiến dài trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bằng việc mua lại toàn bộ cổ phiếu của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank (ước tính khoảng 2.500 ty đồng) để chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng tại Sacombank. Liên quan đến những lời đồn đoán về việc ông Dương Công Minh sẽ trở thành chủ tịch HĐQT Sacombank trong thời gian sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng, với những gương mặt hiện tại, ông Dương Công Minh được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT Sacombank nhờ vào kinh nghiệm làm trong lĩnh vực ngân hàng và là ông trùm trong lĩnh vực bất động sản cả ở miền Bắc và miền Nam.